Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về phương án thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Trong đó, Bộ KH-ĐT đã đưa ra phương án đầu tư ít hơn số tiền so với phương án trước đó Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã trình.
Báo cáo của Bộ KH-ĐT dẫn phân tích của các chuyên gia Đức và Hà Lan cho rằng với chiều dài hàng ngàn km, tốc độ chạy tàu trên trục Bắc - Nam khoảng 200 km/giờ là hiệu quả, tổng mức đầu tư dự án khoảng 26 tỉ USD, ít hơn 32 tỉ USD so với đề xuất của Bộ GTVT.
Cụ thể, trước đó, Bộ GTVT đề xuất đầu tư mới tuyến đường sắt tốc độ cao đường đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ chạy tàu 320 km/giờ, tổng vốn xây dựng lên tới 1.344.459 tỉ đồng (khoảng 58,7 tỉ USD). Thời gian dự kiến xây dựng khoảng 30 năm, từ 2020 - 2050.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH-ĐT đã có những phản hồi về phương án nêu trên của Bộ GTVT. Theo đó, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án lựa chọn tốc độ thiết kế 350 km/giờ (chủ yếu ở Nhật và Pháp), cạnh tranh với hàng không, đem lại hiệu quả khai thác và có tác dụng điều chỉnh lại cơ cấu thị phần vận tải hợp lý giữa các loại hình giao thông.
Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT cho rằng tuyến đường sắt tốc độ cao này chỉ khai thác cho tàu khách mà không khai thác cho tàu hàng.
Từ kinh nghiệm của một số nước, Bộ KH-ĐT cho biết nước Đức trước đây đã nâng cấp các thế hệ tàu từ ICE1 sang ICE 2 và ICE 3 với tốc độ chạy tàu tối đa nâng từ 200 km/giờ lên 300 km/giờ. Sau này, khi lựa chọn tốc độ hợp lý và tối ưu nhất về vận tải cả hành khách và hàng hóa cho đường sắt tốc độ cao thì thế hệ tàu ICE 4 giảm tốc độ xuống còn 250 km/giờ và thế hệ tàu mới nhất là ICEx tốc độ chạy tàu tối đa giảm tiếp xuống còn 200 km/giờ.
Bên cạnh đó, Hà Lan nghiên cứu nâng cấp một số tuyến đường sắt đang khai thác tốc độ 200 km/giờ thành 300 km/giờ. Kết quả khi nâng tốc độ chạy tàu từ 200 km/giờ lên 300 km/giờ thì chi phí đầu tư và vận hành tăng từ 1,8 tỉ EUR lên 3,4 tỉ EUR (tăng 1,9 lần) không hiệu quả. Do việc đội vốn và không hiệu quả này, Hà Lan không thực hiện đầu tư nâng cấp tuyến đường này nữa.
Bộ KH-ĐT cũng nhấn mạnh sau khi kết thúc giai đoạn 1, hoàn thành đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP HCM vào năm 2032, năng lực khai thác 2 tuyến này đạt 364.000 hành khách/ngày. Trong khi dự báo số lượng hành khách trên 2 đoạn tuyến này vào năm 2035 chỉ đạt từ 55.000 - 58.000 hành khách/ngày (chỉ gần 16% công suất đầu tư)
Báo cáo với Thủ tướng, Bộ KH-ĐT cho rằng việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ 350 km/giờ chỉ để chở khách mà không phục vụ vận tải hàng hóa là quá dư thừa và lãng phí.
Từ một số yếu tố nêu trên, Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án để xem xét các vấn đề liên quan.