Bé Elliotte Sargent, Wilmington, North Carolina, Mỹ, được sinh ra vào tháng 9/2016 với trọng lượng chỉ 2.780 gram. Em được sinh ra với một số bộ phận của cơ thể nhô ra ngoài thành bụng.
Elliotte được chẩn đoán bị mắc Gastroschisis, hay còn gọi là nứt thành bụng, một dạng dị tật ổ bụng hiếm gặp ngay từ khi vẫn còn trong bụng mẹ.
Mary Sargent, 24 tuổi, mẹ của bé cho biết: “Chúng tôi biết Elliotte bị mắc dị tật này ở tuần thứ 19, khi tôi đi kiểm tra xem bé là con trai hay con gái. Ngay từ lúc sinh ra, bé đã được bọc trong một chiếc túi đặc biệt, vì nội tạng của bé không được phép tiếp xúc với không khí".
Ngay khi vừa ra đời, cô bé đã phải trải qua một ca phẫu thuật kéo dài hai tiếng để đưa một số bộ phận trở lại vị trí trong ổ bụng. Số còn lại được phủ kín trong một túi nhựa vô trùng, để chúng tự trở lại ổ bụng mà không cần can thiệp bằng phẫu thuật.
Sau 12 ngày, chiếc túi bọc nội tạng của bé đã được rút ngắn dần, vì nội tạng của bé đã bắt đầu hoạt động khiến chúng tự trở lại cơ thể. Đến ngày thứ 19, bé Elliotte đã có thể ăn được sữa mẹ.
"Thấy bé uống được sữa mẹ khiến tôi rất vui, đây thực sự là một phép lạ, tôi sẽ không thể sống được nếu thiếu con bé”, Sargent nói.
Bé Elliotte xuất viện với thể trạng sức khỏe tốt. Ảnh: PA Real Life. |
Elliotte đã được xuất viện với cân nặng 3.630 gram. Mặc dù cô bé vẫn phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên, nhưng tình hình sức khỏe đang tiến triển rất tốt và dường như không cần phải phẫu thuật thêm.
Gastroschisis hay còn gọi là nứt thành bụng, là một loại dị tật thành bụng, một số bộ phận của đứa trẻ phát triển ra bên ngoài cơ thể do sự chưa hoàn thiện của thành bụng. Phần lớn trẻ bị nứt thành bụng thường là trẻ sinh non.
Gastroschisis thường dễ nhận ra bằng mắt thường do trên bụng xuất hiện vết nứt khiến ruột, dạ dày và một số nội tạng khác của bé nằm ở bên ngoài cơ thể. Nếu ruột bị tổn thương, em bé sẽ gặp vấn đề với tiêu hóa thức ăn. Do đó, các bác sĩ cần tiến hành phẫu thuật cấp cứu ngay khi bé vừa ra đời.
Các nhà khoa học vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ra Gastroschisis. Dị tật này có thể xảy ra do người mẹ tiếp xúc với các tác nhân môi trường, đồ ăn thức uống không lành mạnh, hút thuốc lá, sử dụng các loại thuốc bừa bãi. Tuy nhiên, tình trạng này ngày càng phổ biến hơn đối với phụ nữ mang thai khi đang ở độ tuổi vị thành niên.