Từng là nhà phát triển bất động sản bán chạy nhất Trung Quốc và hiện đang phải gánh khoản nợ hơn 300 tỷ USD, Evergrande đang đàm phán để bán 50,1% cổ phần trong chi nhánh Evergrande Property Services của mình cho đối thủ Hopson Development Holdings.
Cuối ngày thứ Tư, Evergrande nói rằng công ty có lý do để tin rằng Hopson đã không đáp ứng "điều kiện tiên quyết để đưa ra một đề nghị chung."
Những tiết lộ của Evergrande được đưa ra sau khi một số quan chức hàng đầu của Trung Quốc tìm cách trấn an người mua nhà và thị trường rằng những "tai ương" trong lĩnh vực bất động sản sẽ không được phép biến thành một cuộc khủng hoảng toàn diện.
Nỗi lo về việc cuộc khủng hoảng Evergrande, công ty có khoản nợ phải trả tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc, có thể gây ra tác động tiêu cực tới nền kinh tế đã khiến hàng loạt công ty bất động sản mắc nợ khác bị hạ bậc xếp hạng tín dụng, trong khi một số công ty nhỏ hơn thậm chí đã vỡ nợ.
Phát biểu tại một diện đàn hôm thứ Tư, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc khẳng định rằng rủi ro có thể kiểm soát được và nhu cầu vốn hợp lý từ các công ty bất động sản đang được đáp ứng.
Cũng tại sự kiện này, chủ tịch cơ quan quản lý chứng khoán của Trung Quốc Yi Huiman tuyên bố các nhà chức trách sẽ xử lý thích hợp các rủi ro vỡ nợ và tìm cách hạn chế vấn đề nợ quá mức trên phạm vi rộng hơn.
Theo số liệu từ công ty tài chính Nomura, các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc có tổng dư nợ là 33,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (5,24 nghìn tỷ USD), tương đương với khoảng 1/3 tổng sản phẩm quốc nội của nước này.
Evergrande, đại diện tiêu biểu cho kỷ nguyên vay mượn và xây dựng tự do của Trung Quốc, đang gặp khó để huy động vốn nhằm trả tiền cho chủ nợ và nhà thầu.
Hôm thứ Tư, tập đoàn này cho biết họ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp "để giảm bớt các vấn đề thanh khoản" và sẽ nỗ lực hết sức để đàm phán về việc gia hạn hoặc gia hạn các khoản vay của mình với các chủ nợ.
"Trước những khó khăn, thách thức và sự không chắc chắn trong việc cải thiện tính thanh khoản của mình, không có gì đảm bảo rằng tập đoàn sẽ có thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình theo các văn bản tài chính liên quan và các hợp đồng khác", phía Evergrande khẳng định.
Evergrande sẽ chính thức rơi vào tình trạng vỡ nợ nếu tập đoàn này không thực hiện thanh toán lãi trái phiếu tháng 3 năm 2022 đã quá hạn kể từ đầu tuần này.
Nhiều nguồn tin cho biết Evergrande đã buộc phải tạm hoãn thương vụ bán bán cổ phần cho Hopson sau khi không nhận được sự ủng hộ của chính quyền tỉnh Quảng Đông, nơi đang giám sát việc tái cơ cấu của Evergrande.
Hopson cho biết họ đã chuẩn bị để hoàn tất thỏa thuận nhưng đã nhận được thông báo chấm dứt giao dịch từ Evergrande vào ngày 13/10.
Một phần nguyên nhân khiến thương vụ bán cổ phần Evergrande thất bại là do công ty Yuexiu Property thuộc chính phủ Trung Quốc đã rút khỏi thỏa thuận 1,7 tỷ USD được đề xuất để mua trụ sở chính ở Hong Kong vào tuần trước.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yi Gang tuyên bố nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang "làm tốt", nhưng phải đối mặt với những thách thức như rủi ro vỡ nợ đối với một số công ty do "quản lý yếu kém."
Cũng theo ông Yi, Trung Quốc sẽ hoàn toàn tôn trọng và bảo vệ các quyền hợp pháp của các chủ nợ và chủ sở hữu tài sản của Evergrande, phù hợp với "các ưu tiên trả nợ" mà luật pháp Trung Quốc quy định.
Những cam đoan chính thức trong những ngày gần đây và một số khoản thanh toán bằng trái phiếu từ các nhà phát triển bất động sản lớn khác, đã giúp chênh lệch nợ lợi suất cao của Trung Quốc tiếp tục được cải thiện sau khi đạt mức cao kỷ lục vào tuần trước.