Thế giới sẽ phải hứng chịu những tác động trực tiếp khi mà nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Nhưng cho đến nay, cách tiếp cận của chính quyền Bắc Kinh đối với các vấn đề liên quan đến tập đoàn Evergrande có thể sẽ ngăn chặn được những hệ luỵ trong lĩnh vực tài chính, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến một cuộc suy thoái tại Trung Quốc và rộng hơn là một cuộc khủng hoảng ở quy mô toàn cầu.
Hôm Thứ Ba, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 của quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới – từ 8,2% xuống còn 7,2%, do lo ngại về cách thức mà chính phủ Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề của Evergrande, cũng như tình trạng thiếu hụt nguồn năng lượng có nguy cơ làm suy giảm sản lượng công nghiệp của nước này.
Mặc dù là một trong những công ty bất động sản lớn nhất tại Trung Quốc, thế nhưng nếu chỉ dựa vào một gói cứu trợ của chính phủ, cuộc khủng hoảng của Evergrande khó có thể chấm dứt.
Theo ông Homin Lee, nhà nghiên cứu chiến lược gia tại Ngân hàng Lombard Odier của Thuỵ Sĩ, do lo ngại trước những rủi ro tài chính từ khoản vay nợ vượt mức trong lĩnh vực bất động sản, giới chức Trung Quốc dường như muốn dẫn dắt Evergrande vượt qua với cuộc khủng hoảng, hoặc ít nhất là giúp cho tập đoàn này có thể “kiểm soát được quá trình sụp đổ”.
Những tín hiệu hoảng loạn trên thị trường tài chính toàn cầu hồi tuần trước, xuất phát từ lo ngại rằng Evergrande sẽ gây ra “hiện tượng Lehman” tại Trung Quốc (hiệu ứng sụp đổ dây chuyền, tương tự vụ vỡ nợ của công ty Lehman Brothers khiến cho Mỹ rơi vào cuộc khủng hoàng tài chính vào năm 2008), đã giảm bớt sau khi tập đoàn này tuyên bố đã “giải quyết” được khoản thanh toán lợi tức với các chủ nợ.
Trong khi đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell lại đánh giá thấp khả năng này, ông cho rằng thị trường quốc tế sẽ không chịu nhiều biến động nếu như Evergrande thực sự sụp đổ trong thời gian tới.
Dù đã quá hạn thanh toán khoản lãi suất trái phiếu 83,5 triệu USD cho các nhà đầu tư nước ngoài hôm thứ Năm, Tập đoàn Evergrande đến nay vẫn giữ im lặng. Tuy nhiên, xét về mặt lý thuyết, công ty này sẽ chưa bị vỡ nợ, trừ khi không thanh toán khoản lãi trên trong vòng 30 ngày tới. Từ nay cho đến khi kết thúc năm, Evergrande vẫn còn một khoản lãi suất trái phiếu lên đến 547,6 triệu USD cần phải được thanh toán cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Việc chính quyền Bắc Kinh nỗ lực giải quyết triệt để các khoản nợ trong lĩnh vực bất động sản, đang khiến cho khả năng cuộc khủng hoảng của Evergrande được xử lý ngày càng trở nên mong manh hơn.
Các nhà phân tích đã đặt ra một câu hỏi rằng liệu chính phủ Trung Quốc có thể lấy sự việc tại Evergrande ra làm một phép thử, mà vẫn tránh được cú “hạ cánh cứng” (thuật ngữ chỉ xu hướng xuống dốc rõ rệt sau giai đoạn tăng trưởng mạnh) đối với giá nhà đất và những ảnh hưởng đến nền kinh tế hay không.
“Evergrande không thực sự là một rủi ro mang tính dây truyền đối với nền kinh tế và hệ thống tài chính của Trung Quốc”, thế nhưng tình hình trên thị trường không nên bị đánh giá chủ quan trong thời điểm này, các nhà phân tích của công ty Nomura nhận định trong một báo cáo nghiên cứu được đưa ra hồi tuần trước. “Theo quan sát của chúng tôi, Bắc Kinh đang nỗ lực điều chỉnh toàn bộ lĩnh vực bất động sản, chứ không phải chỉ xử lý riêng cuộc khủng hoảng của Evergrande, bởi cho rằng đây là một mối nguy lớn trong ngắn hạn đối với sự tăng trưởng và sự ổn định trong lĩnh vực tài chính của Trung Quốc”.
Việc Evergrande có khoản nợ luỹ tích lên đến 300 tỷ USD – tương đương khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc, phần nào đã phản ánh được thực trạng tại Trung Quốc, các nhà đầu tư tin rằng khi những gia đình ở vùng nông thôn dịch chuyển vào sinh sống ở các thành phố, họ sẽ thu được lợi nhuận thông qua hoạt động kinh doanh bất động sản.
Kể từ những năm 1990, nhu cầu nhà đất tại quốc gia đông dân nhất trên thế giới liên tục tăng cao, chính phủ đã tạo mọi điều kiện các công ty bất động sản có thể dễ dàng tiếp cận khoản vay tín dụng và triển khai thi công xây dựng, cũng từ đó, lĩnh vực này dần trở thành trụ cột chính giúp nền kinh tế Trung Quốc phát triển.
Động cơ tăng trưởng đó hiện đang bị xáo trộn sau khi các cơ quan quản lý hạn chế khả năng tiếp cận các khoản vay của công ty trong lĩnh vực này. Cuộc khủng hoảng của Evergrande đang tiếp tục kéo doanh số kinh doanh bất động sản sụt giảm ở mức thấp nhất mà ngành này ghi nhận kể từ năm 2014. Trong một cuộc đấu giá đất mới đây ở thành phố Quảng Châu, một trong những thị trường bất động sản nóng nhất tại Trung Quốc, tính đến thời điểm kết thúc, chỉ có một nửa số lô trên thực tế được giao dịch.
Tình trạng sụt giá bất động sản đột ngột sẽ gây ra làn sóng tác động đến chuỗi cung ứng xây dựng toàn cầu, từ các mỏ quặng sắt cung cấp cho các nhà sản xuất thép Trung Quốc cho đến các nhà sản xuất thiết bị như máy đào, cần cẩu.
Yếu tố chính trị
Tuy nhiên, suy thoái kinh tế không phải là mối quan ngại duy nhất của chính phủ Trung Quốc. Các cơ quan quản lý thực hiện giám sát khoản nợ của Evergrande trong bối cảnh nước này đang triển khai chương trình hành động có ảnh hưởng sâu rộng về mặt chính trị, nhằm hạn chế “sự giàu có dư thừa” và các doanh nghiệp tư nhân, mà chính quyền Bắc Kinh cho rằng đó là tác nhân gây ra tình trạng bất bình đẳng cũng như những bất ổn trong xã hội.
Trong những tháng gần đây, chiến dịch đảm bảo “sự thịnh vượng chung” mà Chủ tịch Tập Cận Bình thúc đẩy, đã xóa bỏ mức định giá hàng tỷ USD của các tập đoàn công nghệ hàng đầu nước này, và khiến các tỷ phú từng thẳng thắn lên tiếng phê bình giờ đây cũng phải im lặng, đơn cử như tỷ phú Jack Ma – người sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba.
Thay vì áp dụng những quy định tương đối lỏng lẻo trong quá khứ với những gã khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ, các tập đoàn bất động sản và công ty trong ngành giải trí, ông Tập đã cam kết xây dựng các cơ chế và quy định mới để đảm bảo những thành quả của các doanh nghiệp tư nhân được chia sẻ với toàn xã hội theo đúng mục tiêu vì “sự thịnh vượng chung”.
Việc xem xét đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản vốn sở hữu nhiều đòn bẩy tài chính là hoàn toàn phù hợp với xu thế nếu xét trên quy mô rộng hơn. “Evergrande không phải là căn nguyên của vấn đề nợ xấu, mà chỉ là một ví dụ điển hình trong những vấn đề lớn hơn thuộc lĩnh vực bất động sản. Nó là một trường hợp ngoại lệ xét trên quy mô, chứ không phải do cách thức”, Logan Wright, Giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc của Rhodium Group, bình luận.
Chính phủ Trung Quốc dường như muốn nắm bắt rõ hơn về những rủi ro vốn đang tồn tại trong hệ thống tài chính nước này, vì vậy, họ đã thay đổi cách tiếp cận và không muốn tham gia vào việc ổn định thị trường, ông Wright nhận định.
Nhưng nếu cách thức xử lý sai, các nhà chức trách Trung Quốc có thể sẽ vô tình khiến cho những hệ luỵ đó lan rộng và tác động ở quy mô lớn hơn. “Hệ thống này thậm chí sẽ trở nên mong manh hơn và dễ bị tổn thương hơn khi Bắc Kinh thực hiện quá trình cải tổ nó”, ông Wright nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Bo Zhuang của công ty quản lý đầu tư Loomis, Sayles & Company, chỉ ra rằng: “Mục tiêu của Trung Quốc là giảm thiểu rủi ro, chứ không phải là gây ra khủng hoảng”. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng như các cơ quan đánh giá, xếp hạng đã ra tuyên bố xác định trái phiếu của Evergrande tiềm ẩn những rủi ro từ nhiều tháng trước, khác với trường hợp trái phiếu của Lehman Brothers khi chỉ được đánh giá vài ngày trước khi công ty này sụp đổ.
Các chủ nợ quốc tế, bao gồm BlackRock và HSBC, được cho là cũng sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp do những khoản lỗ khi trái phiếu được giao dịch ở mức chiết khấu lớn.
Phản ứng của công chúng
Đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, mối quan tâm chính hiện nay là kiểm soát những hệ quả trong nước từ cuộc khủng hoảng của Evergrande. Một khi tập đoàn này phá sản nhiều khả năng các ngân hàng, nhà đầu tư bán lẻ và nhà cung cấp có liên quan cũng sẽ bị rơi vào tình cảnh '‘mất trắng’'.
Nhiều nhân viên cũng đã đã bị thu hút bởi những lời hứa hẹn về tỷ suất lợi nhuận cao mà mua các dịch vụ tư vấn đầu tư kết hợp các dịch vụ tài chính của công ty mình. Ngoài ra, hàng nghìn người mua căn hộ theo hình thức trả trước cũng đang lo sợ rằng nhà của họ sẽ không bao giờ được hoàn thiện.
Giờ đây, hình ảnh lãnh đạo nền kinh tế bấy lâu nay và lời hứa bất thành văn của Đảng Cộng sản Trung Quốc với nhân dân nước này rằng: Đảng sẽ đem đến cơ hội có một cuộc sống thịnh vượng cho người dân, đang ở thế bấp bênh.
Cho đến nay, sự tức giận của công chúng chủ yếu nhắm vào Tập đoàn Evergrande và người sáng lập công ty này – tỷ phú Hứa Gia Ấn. Hồi đầu tuần, một video quay lại cảnh một chủ nợ của Evergrande chỉ trích, mắng nhiếc các giám đốc điều hành của công ty này vì đã "tiêu tiền hoang phí" khi mua máy bay tư nhân và biệt thự, đã được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội.
Nhưng nếu như cuộc khủng hoảng của Evergrande khiến cho giá nhà giảm mạnh, công chúng có thể sẽ phản ứng dữ dội hơn đối với các chính sách của chính quyền Bắc Kinh.
Nhà cửa, đất đai chiếm đến 80% tài sản của hầu hết các hộ gia đình tại Trung Quốc. Trong quá khứ, khi giá nhà đất giảm, những phản ứng gay gắt thường đến từ các chủ sở hữu nhà thuộc tầng lớp trung lưu, bởi họ luôn có tư duy giả định rằng giá trị của khối bất động sản mà họ nắm giữ chắc chắn sẽ tăng lên trong tương lai
Lo ngại trước nguy cơ xảy ra tình trạng bất ổn trong xã hội, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu âm thầm đưa ra các chính sách để hạn chế những tác động nếu như Evergrande thực sự lâm vào cảnh vỡ nợ. Chính quyền địa phương ở ít nhất 8 tỉnh đã chuyển các khoản tiền của Evergrande vào các tài khoản giám sát đặc biệt để đảm bảo rằng số tiền này sẽ được sử dụng để hoàn thiện những dự án nhà ở còn đang dang dở, thay vì dùng để thanh toán các khoản nợ của công ty, theo nguồn tin từ tạp chí tài chính Caixin.
Trong những ngày gần đây, chính quyền tại 9 thành phố của Trung Quốc đã đặt ra mức giới hạn giảm giá căn hộ, vì lo ngại rằng các chủ đầu tư, hiện đang bị kẹt vốn, có thể sẽ thực hiện một đợt bán tháo để đạt mục tiêu cuối năm, một động thái sẽ khiến cho giá nhà ở tiếp tục sụt giảm.
Tại Trương Gia Khẩu, thành phố 4 triệu dân sẽ thăm tổ chức các cuộc thi trượt tuyết trên dãy núi Alps trong khuôn khổ Thế vận hội mùa đông 2022 được Trung Quốc đăng cai, giá nhà đất đã giảm 40% trước thời điểm chính phủ có những động thái can thiệp.
Chỉ cách trung tâm thủ đô Bắc Kinh 50 phút di chuyển bằng đường sắt cao tốc, thành phố này trong những năm gần đây đã trở thành điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư bất động sản với hy vọng giá trị sẽ cao trong tương lao.
Ngay cả trước cuộc khủng hoảng của Evergrande, một số chủ sở hữu nhà tại thành phố Trương Gia Khẩu đã vô cùng lo lắng, tìm mọi cách để có thể hòa vốn khoản đầu tư bất động sản của mình.
Hồi tháng 7, cảnh sát địa phương đã phải tạm giữ một người đàn ông và một phụ nữ trong 10 ngày vì tội “gây rối trật tự công cộng”, sau khi họ đe dọa nhảy lầu từ một toà nhà cao tầng để phản đối việc giá trị căn hộ mới mua của họ bị sụt giảm nhanh chóng.