Festival nghề truyền thống Huế 2023: Tôn vinh tinh hoa nghề Việt

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Festival nghề truyền thống Huế 2023 có chủ đề "Tinh hoa nghề Việt," tổ chức từ ngày 28/4-5/5, với nhiều đổi mới, sáng tạo, hứa hẹn mang đến cho công chúng, du khách một không gian lễ hội đầy màu sắc.
Festival nghề truyền thống Huế 2023: Tôn vinh tinh hoa nghề Việt

Festival nghề truyền thống Huế đã khẳng định vai trò trong quá trình giữ gìn, tôn vinh và phát triển các nghề thủ công truyền thống cũng như góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh cố đô Huế.

Tiếp nối thành công của 8 lần tổ chức trước, Festival nghề truyền thống Huế 2023 với chủ đề "Tinh hoa nghề Việt" được Ủy ban Nhân dân thành phố Huế tổ chức từ ngày 28/4-5/5, với nhiều đổi mới, sáng tạo, hứa hẹn mang đến cho công chúng và du khách một không gian lễ hội đầy màu sắc.

Không gian lễ hội đặc sắc

Những ngày này, không khí của Tuần lễ Festival nghề truyền thống Huế 2023 đã hiện hữu trên các tuyến đường trung tâm cũng như các khu vực phụ cận của thành phố Huế. Đặc biệt, phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu bên bờ sông Hương - nơi tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tôn vinh nghệ nhân và làng nghề đã trở thành “điểm check-in” đầy ấn tượng của người dân và du khách.

Các sản phẩm thủ công truyền thống, tiểu cảnh tôn vinh nghề được Ban Tổ chức sắp đặt hài hòa với những dãy nhà tranh tre, nhà rường truyền thống Huế, góp phần tạo nên một không gian xanh và nên thơ trải dài dọc bờ sông Hương.

Chị Phạm Thị Dung, ở thành phố Huế chia sẻ không khí của Festival nghề truyền thống Huế dường như sôi động hơn so với những năm trước. Các không gian, tiểu cảnh được bố trí rất mới lạ và nghệ thuật. Khung cảnh dọc bên bờ sông Hương vốn đã đẹp và cuốn hút du khách, những ngày qua càng trở nên thơ mộng hơn với không gian làng nghề mang sắc thái riêng của Huế, vừa hiện đại và sôi động.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế Võ Lê Nhật cho biết sau một kỳ bị gián đoạn vì ảnh hưởng dịch COVID-19, Festival nghề truyền thống Huế năm nay được tổ chức quy mô, chất lượng hơn với mong muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội, các sản phẩm nghề truyền thống đến gần hơn với thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.­­­

Tiếp nối thành công của các kỳ Festival trước, không gian làng nghề được sắp đặt với yêu cầu cao hơn về không gian, cảnh quan, bố trí tiểu cảnh; các chương trình nghệ thuật cũng được tính toán kỹ hơn với nhiều yếu tố đổi mới và sáng tạo.

Cùng với chuỗi các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội dân gian, lễ hội cung đình và các hoạt động hưởng ứng, hoạt động cộng đồng, Festival nghề truyền thống Huế 2023 sẽ quy tụ các chương trình, hoạt động truyền thống như không gian trưng bày, thao diễn và giới thiệu các sản phẩm nghề và làng nghề truyền thống Huế của một số địa phương tiêu biểu trong cả nước và các thành phố quốc tế; Lễ tế Tổ bách nghệ và Lễ rước tôn vinh nghề; Lễ hội ẩm thực chủ đề "Tinh hoa nghề Bún"....

Đặc biệt, Festival lần này có thêm nhiều chương trình nghệ thuật mới, lần đầu tiên được tổ chức như Chương trình "Tri ân dòng Hương;" Lễ hội Quảng diễn đường phố; Chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa thành phố Huế và các thành phố hợp tác, kết nghĩa trong nước và quốc tế; Chương trình nghệ thuật "Giai điệu trẻ"…

Chương trình nghệ thuật trong Lễ khai mạc diễn ra tối 28/4 tới, tại sân khấu Quảng trường trước Trường Quốc học Huế cũng là một trong những điểm nhấn của Festival nghề truyền thống lần này.

Khán giả sẽ được chiêm ngưỡng những màn nghệ thuật đặc sắc được thiết kế, dàn dựng theo một câu chuyện xuyên suốt với chủ đề “Bàn tay người thợ.” Thủ pháp để kết nối câu chuyện là âm nhạc và vũ đạo được sáng tạo mới dựa trên âm hưởng chủ đạo của âm nhạc Huế, nhưng mang tiết tấu hiện đại và mới mẻ.

Tham gia chương trình sẽ có các nghệ sỹ được yêu thích như Ban nhạc Bức tường, ca sỹ Đông Hùng, Bảo Trâm, Sơn Thạch, nghệ sỹ cello Đinh Hoài Xuân, nhà thiết kế-nghệ nhân áo dài Huế Đặng Viết Bảo.

Bên cạnh đó, còn có sự xuất hiện của ngôi sao khách mời Hàn Quốc Bobby Kim. Sân khấu đêm khai mạc là sân khấu mở trải dài từ Bia Quốc học sang cổng Trường Quốc học, sử dụng thực cảnh hiện hữu không lắp đặt thêm các cấu kiện để tôn vinh vẻ đẹp tuyệt tác của hai công trình mang dấu ấn lịch sử Huế.

Khán giả ngồi trên 2 khán đài, chiêm ngưỡng chương trình từ trên cao xuống với các hiệu ứng âm thanh và hình ảnh nhằm tạo ra chương trình nghệ thuật đặc biệt.

“Đến thời điểm này, không gian tổ chức làng nghề truyền thống và các chương trình văn hóa nghệ thuật đã cơ bản hoàn thành. Với sự đổi mới, sáng tạo trong từng chương trình, Ban Tổ chức hy vọng sẽ đem tới cho nhân dân và du khách một kỳ Festival đầy ấn tượng, đáng nhớ với những trải nghiệm thú vị; đồng thời góp phần mang đến cho thành phố Huế diện mạo mới, trẻ trung và sôi động hơn,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế Võ Lê Nhật chia sẻ.

Tôn vinh tinh hoa nghề Việt

Festival nghề truyền thống Huế là nơi hội tụ trí tuệ và tài năng cùng những sản phẩm độc đáo của các nghệ nhân đến từ các làng nghề trong tỉnh Thừa Thiên-Huế và nhiều địa phương trong cả nước.

Đến nay, các làng nghề, cơ sở sản xuất nghề trên địa bàn đã sẵn sàng chào đón ngày hội. Thời gian này, các cơ sở sản xuất tại Làng hương Thủy Xuân (thành phố Huế) với lịch sử hơn 700 năm đang tích cực chuẩn bị các sản phẩm mới, đa dạng mẫu mã, kiểu dáng nhằm phục vụ nhu cầu của người dân và du khách trong dịp Festival. Những người làm nghề nơi đây rất vui khi có cơ hội để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm hương trầm - một nét văn hóa tâm linh của Cố đô Huế.

Ông Hồ Ngọc Thứ, chủ cơ sở hương trầm Đức Thành chia sẻ đến với Festival nghề truyền thống Huế năm 2023, cơ sở sẽ trình diễn các kỹ thuật làm hương, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng như nhang nụ, nhang trầm, chế tác trầm, tinh dầu trầm, vòng tay trầm…

Festival nghề truyền thống Huế là cơ hội tốt để người làm nghề hương trầm Thủy Xuân cũng như các nghề truyền thống khác trình diễn, giới thiệu các sản phẩm thủ công, góp phần bảo tồn, phát huy nghề truyền thống và nâng cao thu nhập, phát triển sinh kế cho người dân.

Festival nghề truyền thống Huế 2023 thu hút sự tham gia của hơn 350 nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân Ưu tú, bàn tay vàng đến từ 69 làng nghề, cơ sở nghề nổi tiếng trong cả nước. Du khách đến với Festival nghề truyền thống Huế 2023 có cơ hội tìm hiểu 21 nhóm nghề như dệt; mộc mỹ nghệ, điêu khắc, chạm khảm, sơn mài, sơn son thếp vàng; kim hoàn; mây tre đan, tre mỹ nghệ; nón lá; hương trầm; nghề làm sản phẩm từ giấy; nghề tranh dân gian truyền thống; gốm sứ; pháp lam…

Tại Festival năm nay còn có sự tham gia của 37 nghệ nhân đến từ 6 thành phố của Hàn Quốc và Nhật Bản có quan hệ kết nghĩa, hợp tác với thành phố Huế; các đoàn biểu diễn nghệ thuật cà kheo (Bỉ), nhạc cụ truyền thống, biểu diễn K-Pop, biểu diễn võ thuật nhảy đương đại Taekwondo, trình diễn Hàn phục và hát diễn xướng (Hàn Quốc).

Festival nghề truyền thống Huế 2023 được thành phố Huế kỳ vọng sẽ tạo được “tiếng vang” với nhiều mục đích, ý nghĩa hướng đến, trong đó tập trung phát triển ngành công nghiệp sáng tạo. Du khách và người dân Huế sẽ được thưởng ngoạn tinh hoa của bao thế hệ nghệ nhân thông qua trải nghiệm nhiều hoạt động nghề một cách sống động diễn ra trong không gian trữ tình, lãng mạn ở hai bờ sông Hương và cầu Trường Tiền. Các hoạt động cộng đồng hưởng ứng sẽ được tổ chức trải rộng khắp các khu vực trung tâm và vùng lân cận thành phố Huế.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế Võ Lê Nhật nhấn mạnh Festival nghề truyền thống Huế là lễ hội có ý nghĩa lớn về văn hóa, kinh tế-xã hội mang tầm quốc gia và có yếu tố quốc tế, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh và thương hiệu Cố đô Huế-thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Các kỳ Festival nghề truyền thống Huế đã mang lại những tác động tích cực góp phần hiệu quả trong việc khôi phục, hỗ trợ và phát triển làng nghề truyền thống và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu trên cả nước.

Hồi đầu năm nay, trước Ngọ Môn thuộc hoàng thành Huế, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức khai mạc và công bố chương trình Festival Huế 2023 với chủ đề “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển” và tổ chức tái hiện Lễ Ban Sóc triều Nguyễn mở màn cho Festival Huế 2023.

Festival Huế 2023 gồm hơn 50 hoạt động chính và gần 100 hoạt động hưởng ứng diễn ra liên tục trong năm theo định hướng bốn mùa, với các chủ đề như: “Xuân Cố đô,” “Kinh thành tỏa sáng,” “Huế vào Thu,” “Mùa Đông xứ Huế.”

Festival Huế 2023 sẽ gắn liền với các điểm nhấn quan trọng như kỷ niệm 30 năm Quần thể di tích Cố đô Huế được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa thế giới; 20 năm Nhã nhạc được công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và Tuần lễ Festival nghề truyền thống Huế.

Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
(Ngày Nay) - Khi tôi nghe thấy tin có người nào đó vừa mất đi, tin ấy với tôi như tiếng chuông thức tỉnh. Tiếng chuông đó là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của kiếp người.
Oai nghi của người tu hành
Oai nghi của người tu hành
(Ngày Nay) - Oai nghi cùng với chánh kiến và tịnh giới là ba yếu tố làm nên đạo hạnh - phẩm chất của tu sĩ Phật giáo, như cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, bậc am tường kinh luật luận đã từng nhấn mạnh.
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.