Theo nhiều dự đoán, cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ nằm trong chương trình nghị sự của nguyên thủ các nước G7 trong hôm nay.
Mỹ đã dẫn đầu các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với những công ty, ngân hàng và cá nhân Nga. Việc áp đặt thêm các lệnh trừng phạt sẽ tái khẳng định quyết tâm của các cường quốc phương Tây trong việc hỗ trợ Ukraine và bóp nghẹt nền kinh tế của Nga.
Những nỗ lực mới nhất của G7 tập trung và việc làm gián đoạn dòng cung ứng của Điện Kremlin cho tiền tuyến và lấp đầy các kẽ hở được sử dụng để trốn tránh các lệnh trừng phạt, giảm sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga và thu hẹp khả năng tiếp cận của Moscow với hệ thống tài chính quốc tế.
Chính phủ Mỹ trong vài tháng qua đã trấn áp các hành vi trốn tránh lệnh trừng phạt với trọng tâm là các mặt hàng lưỡng dụng, sử dụng được cả trong mục đích thương mại lẫn quân sự.
Gói trừng phạt mới nhất của Mỹ sẽ bao gồm "hạn chế rộng rãi các loại hàng hóa quan trọng trên chiến trường", cũng như ngăn khoảng 70 thực thể từ Nga và các nước thứ ba nhận hàng xuất khẩu của Mỹ bằng cách thêm chúng vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ.
Ngoài ra, chính quyền Washington sẽ công bố khoảng 300 biện pháp trừng phạt mới đối với các cá nhân, tổ chức, tàu và máy bay nhắm vào "những người hỗ trợ tài chính", khả năng khai thác năng lượng trong tương lai của Nga và những cá nhân khác trên khắp châu Âu, Trung Đông và châu Á giúp hỗ trợ cuộc chiến tại Ukraine.
Các cơ quan trừng phạt của Mỹ cũng sẽ được mở rộng sang nhiều lĩnh vực hơn của nền kinh tế Nga.