Trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư, ông Cui Shuhong - Cục trưởng Cục Bảo vệ Sinh thái Tự nhiên Trung Quốc, cho biết gấu trúc sẽ được tái phân loại là dễ bị tổn thương.
Trung Quốc đã dành nửa thế kỷ để cứu vớt loài vật được coi như "quốc bảo", tạo ra các khu bảo tồn gấu trúc trải dài trên nhiều dãy núi nhằm giúp chúng thoát khỏi cảnh tuyệt chủng.
Gấu trúc đã được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đưa ra khỏi danh sách nguy cấp vào năm 2016, nhưng quyết định này ban đầu không được các quan chức Trung Quốc công nhận.
"Trung Quốc đã thiết lập một hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên tương đối hoàn chỉnh. Các khu vực rộng lớn của hệ sinh thái tự nhiên đã được bảo vệ một cách có hệ thống và hoàn chỉnh, và môi trường sống của động vật hoang dã đã được cải thiện một cách hiệu quả", ông Cui nói.
Ngoài ra, các nhà chức trách Trung Quốc cho biết quần thể của một số loài nguy cấp khác như hổ Siberia, báo Amur, voi châu Á và mào gà đã tăng lên đáng kể cũng đang dần phục hồi.
Gấu trúc khổng lồ nổi tiếng là khó sinh sản, những con cái chỉ có thể mang thai từ 24 đến 72 giờ mỗi năm.
Kể từ những năm 1970, các quan chức Trung Quốc đã thực hiện một chiến dịch cấp cao để tăng số lượng loài vật này. Để chống lại tình trạng mất môi trường sống, Trung Quốc đã tạo ra các khu bảo tồn thiên nhiên được thiết kế đặc biệt ở những khu vực có rừng tre rộng lớn.
Ở Trung Quốc, gấu trúc được biết đến như một loài bảo trợ, các chuyên gia tin rằng các biện pháp bảo vệ loài vật này sẽ giúp bảo vệ các loài khác, cũng như hệ sinh thái lớn hơn.
Nhưng việc chỉ tập trung nỗ lực giải cứu gấu trúc cũng đã phải trả giá bằng số lượng của các loài khác. Một số quần thể ăn thịt đã chứng kiến số lượng giảm mạnh trong những thập kỷ gần đây, có khả năng khiến hệ sinh thái gặp nguy hiểm, theo một nghiên cứu được công bố năm ngoái bởi một nhóm các nhà nghiên cứu Mỹ-Trung.