Bộ đôi gấu trúc có tên Er Shun và Da Mao, được gử tới Canada đến năm 2023, như một phần của thỏa thuận 10 năm với Trung Quốc, nhưng phía sở thú Calgary đã quyết định gửi trả lại sớm hơn dự kiến vì lo ngại đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai có thể khiến mọi thứ trở nên tệ hơn.
Chế độ ăn của gấu trúc gần như hoàn toàn bằng tre tươi, mỗi con gấu sẽ ngốn khoảng 40 kg tre, trúc mỗi ngày.
Phần lớn tre mà Er Shun và Da Mao ăn trước khi đại dịch nổ ra được chuyển thẳng đến thành phố Calgary từ Trung Quốc, nhưng những chuyến bay đó đã bị hủy bỏ do dịch bệnh.
Vườn thú cho biết họ đã cố gắng tìm các nhà cung cấp tre khác để nuôi cặp gấu trúc, nhưng gặp phải một số vấn đề hậu cần. Họ cũng lo lắng rằng những tuyến đường cung cấp mới có thể bị gián đoạn, khiến cặp gấu trúc rơi vào cảnh đói ăn.
"Chúng tôi tin rằng nơi tốt nhất và an toàn nhất để Er Shun và Da Mao sống tiếp trong thời gian này là một nơi có nguồn thức ăn phong phú", chủ tịch và Giám đốc điều hành của Sở thú Calgary, Tiến sĩ Clément Lanthier, tuyên bố. "Đây là một quyết định cực kỳ khó khăn, nhưng sức khỏe của cặp gấu phải được đặt lên hàng đầu”.
Er Shun và Da Mao đã đến Canada vào năm 2014 và đã dành 5 năm tại Sở thú Toronto trước khi được chuyển đến Calgary vào tháng 3 năm 2018 với hai con non là Jia Panpan và Jia Yueyue, sở thú Calgary cho biết. Hai con non này cũng đã được chuyển về Trung Quốc.
Gấu trúc khổng lồ là một trong số những loài động vật hiếm nhất trên hành tinh, mặc dù những nỗ lực bảo tồn loài này đã cho thấy một số thành công trong những năm gần đây.
Năm 2016, tình trạng của loài gấu trúc khổng lồ đã được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế sửa đổi từ "nguy cấp" thành "dễ bị tổn thương". Chỉ có khoảng 1.864 cá thể gấu trúc sống trong tự nhiên, theo Quỹ Động vật hoang dã Thế giới.
Trung Quốc trong nhiều năm đã gửi gấu trúc khổng lồ ra nước ngoài như một biểu hiện của tình hữu nghị và hợp tác giữa Bắc Kinh và các quốc gia khác và được coi là một phần của chiến dịch “ngoại giao gấu trúc”.