Đến ngày 29/11, giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh, giảm đến 10% trên thị trường Mỹ, xuống còn 66,15 USD/thùng.
Hôm 28/11, giá dầu cũng đã giảm 6,7% xuống còn 72,58 USD/thùng.
Giá dầu giảm mạnh là hệ quả trực tiếp sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định duy trì mức sản lượng 30 triệu thùng/ngày tại cuộc họp hôm 27/11 tại Vienna, Áo.
Mức giảm giá xăng trong nước được cho là chưa tương xứng với mức giảm trên thế giới |
Trong khi đó, từ đầu năm 2014 đến nay thị trường xăng dầu trong nước đã có 22 lần điều chỉnh giá trong đó riêng giá xăng tăng 5 lần, giảm 10 lần.
Trong tháng 11, giá xăng giảm 2 lần (7/11 và 22/11) và hiện giá xăng RON 92 ở mức 20.250 đồng/lít.
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Tài chính và Bộ Công thương, giá xăng dầu trong nước đã bám sát diễn biến giá thế giới, việc điều chỉnh giá xăng dầu cũng linh hoạt hơn.
Báo cáo trước Quốc hội tại phiên họp diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: Từ 1/11/2014 việc điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 83 của Chính phủ, theo đó Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì và Bộ Tài chính là cơ quan phối hợp trong việc điều hành giá xăng dầu.
“Thậm chí, quy định tối đa là 15 ngày có thể giảm giá nhưng giá xăng dầu thế giới giảm nhanh thì dưới 15 ngày chúng ta đã giảm giá”- Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn chứng.
Chưa tương xứng
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức giảm giá xăng dầu trong nước hiện chưa tương xứng với thế giới.
Ngay trong ngày 7/11, đợt giảm giá xăng đầu tiên trong tháng, chuyên gia kinh tế – TS Ngô Trí Long cho rằng do giá thế giới giảm quá sâu, mức giảm rõ rệt và duy trì khá dài nên giá xăng dầu trong nước mới có cơ sở giảm đến 9 lần như thời gian qua.
Tại thị trường Singapore - thị trường tham chiếu giá xăng của Việt Nam, ngày 31/10, giá xăng thành phẩm thiết lập mốc 96 USD/thùng. Khoảng một tuần sau, giá xăng tiếp tục giảm đáng kể khi mức giá ngày 6/11 là 90,87 USD/thùng và đến ngày 7/11 là khoảng 90 USD/thùng.
Trong khi đó, theo tính toán, giá xăng RON 92 trong nước tính đến ngày 7/11 đã giảm khoảng 11,58% so với mức giá 24.190 đồng/lít hồi cuối năm 2013, đầu 2014.
Bởi vậy, theo TS Ngô Trí Long, “mức giảm chưa đến 12% trong khi thế giới giảm đến hơn 20% là chưa tương xứng. Hiện nhà nước còn nắm giữ công cụ thuế, doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận cao nên phần thiệt hoàn toàn thuộc về người tiêu dùng”.
Theo ông Long, vấn đề cần xem xét về giá xăng dầu hiện nay không phải là số lần giảm giá hay mức giảm so với trước mà cần so sánh tương quan giá thế giới để tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Tại Việt Nam dù đã giảm 9 lần nhưng lần giảm mạnh nhất là 950 đồng/lít. Tính chung lại, giá xăng Việt Nam mới chỉ giảm khoảng 12%, thấp hơn rất nhiều so với mức giảm của thế giới.
Theo Đất Việt