Trước tình hình giá lợn hơi giảm mạnh, ngày 27/4, Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội đã tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp ổn định chăn nuôi trên địa bàn TP.
Theo Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội, giá lợn hơi trên thị trường trong 6 tháng trở lại đây bình quân là 25.000 đồng/kg, trong khi giá sản xuất trung bình là 33.000 đồng/kg (đối với các hộ phải mua lợn giống là 39.000 đồng/kg).
Do vậy, người chăn nuôi thiệt hại khoảng 1 triệu đồng/một con lợn (đối với các hộ phải mua lợn giống là 1,6 triệu đồng/con). Với số lượng 1,5 triệu con lợn thịt bán ra từ tháng 10/2016 tới nay, các hộ chăn nuôi trên toàn TP Hà Nội thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Lưu, một chủ trang trại tại huyện Gia Lâm cho biết, giá thịt lợn theo khảo sát đang ở mức 19.000 đồng/kg tuy nhiên, theo giá bán thực tế mà tôi được biết, lợn hơi chỉ ở mức 15.000 đồng/kg, thậm chí có trang trại còn đang rao bán toàn bộ lợn quá lứa, nếu có người mua toàn bộ thì giá nào cũng bán.
“Có thể thấy, người dân đã quá tuyệt vọng rồi và theo nhận định của tôi, nếu giá lợn vẫn tiếp tục xuống trong vòng 2 tháng nữa sẽ dưới 10 nghìn đồng/kg và toàn bộ những trang trại ở đây sẽ rơi vào cảnh cơ cực”, ông Lưu nhận định.
Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, do giá lợn xuống thấp khiến một số nông hộ chủ động tự giết mổ đưa ra chợ tiêu thụ. Các hộ này bán bằng mọi giá nên ảnh hưởng tới yếu tố cân bằng giá thị trường. Để ổn định tình hình, Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội khuyến cáo trước mắt cần giảm nhanh đàn lợn nái, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn cần loại ngay lợn nái kém chất lượng, năng suất sinh sản thấp.
Đối với giải pháp dài hạn, theo Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội, cần phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, ưu tiên theo hướng xã trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, áp dụng thức ăn sinh học và hữu cơ.
Đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng xuất, giảm giá thành sản phẩm. Đặc biệt, chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm đảm bảo ATTP, cân đối cung cầu và đẩy mạnh tiêu dùng thịt mát, thịt cấp đông.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng đề nghị cần tổ chức chăn nuôi theo hướng liên kết giữa cơ sở cung cấp giống, thức ăn, thuốc thú y, trang trại, giết mổ, chế biến, phân phối nhằm chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro.