Vẫn chưa có dấu hiệu giảm giá
Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong sáng 10/4 cho thấy, giá thịt lợn nhiều ngày nay vẫn không có gì thay đổi. Cụ thể, giá thịt ba rọi vẫn từ 170.000 – 230.000 đồng/kg, ba rọi rút xương dao động từ 180.000 - 220.000 đồng/kg, sườn non có giá từ 200.000 - 230.000 đồng/kg, thịt nạc dăm ở mức 220.000 đồng/kg…
Một số tiểu thương tại chợ truyền thống cho rằng, giá thịt lợn về chợ lẻ vẫn ở mức cao và chưa thể giảm được, thậm chí một số mặt hàng còn tăng là do nguồn cung về chợ đầu mối đang giảm sút. Ngoài ra, thịt lợn tại các chợ truyền thống còn phải cộng thêm các chi phí vận chuyển nên giá rất khó giảm.
Trong khi đó, ghi nhận tại các chợ đầu mối cung ứng thịt lợn trên địa bàn thành phố trong ngày 9/4 cho thấy, giá lợn hơi cũng bật tăng bất ngờ, dao động từ 5.000 - 20.000 đồng/kg sau 9 ngày giảm giá (mức giảm 5.000 đồng/kg).
Theo Ban quản lý một chợ đầu mối, những ngày qua, nguồn cung lợn hơi về chợ đầu mối giảm mạnh, có ngày giảm khoảng một nửa so với đầu tháng, khiến giá lợn mảnh tại chợ truyền thống bị đẩy giá cao. Cụ thể, giá thịt lợn mảnh ngày 9/4 tại chợ đầu mối dao động từ 100.000 - 115.000 đồng/kg; đặc biệt một số loại thịt cắt mảnh được bán tại chỗ cũng có giá khá cao. Chẳng hạn, sườn non có giá 180.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 4; nạc đùi dao động từ 110.000 - 130.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với trước đó.
Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết: “Hiện giá thịt lợn chưa có dấu hiệu giảm. Trong ngày hôm nay, giá thịt lợn về chợ còn có dấu hiệu tăng trở lại. Giá thịt lợn hơi về chợ đầu mối dao động từ 70.000 - 80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, qua khảo sát của Ban quản lý thì một số thương nhân nói rằng giá lợn hơi sẽ giảm trong những ngày tới vì họ thu mua trực tiếp từ trang trại".
Tương tự, giá bán thịt lợn tại các siêu thị cũng chưa có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, một số điểm bán đã có các động thái điều chỉnh tạm thời với giá bán thịt lợn. Các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra và cửa hàng Co.op Food của Saigon Co.op, đã thực hiện khuyến mãi thịt lợn với mức giảm giá từ 15 - 25%. Trong đó, các loại như chân bắp giò, dựng, xương giảm 25%; sườn non, ba rọi rút sườn giảm 18% hay các mặt hàng thịt lợn sơ chế như thịt xay, thịt tẩm ướp giảm giá đến 15%...
Tăng nguồn cung để giảm giá
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho biết tại "thủ phủ chăn nuôi lợn của cả nước" hiện chỉ có các đơn vị chăn nuôi lớn bán lợn hơi ở mức 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4. Tuy nhiên, do nguồn cung vẫn chưa ổn định trở lại, lứa lợn tái đàn vẫn chưa xuất chuồng nên giá lợn hơi mấy ngày nay ở Đồng Nai đã tăng trở lại, nằm ở mức 73.000 - 80.000 đồng/kg.
“Khi giá lợn hơi thấp thì người tiêu dùng vẫn phải mua giá thịt cao và khi giá lợn hơi cao thì giá thịt bán lẻ lại cao nhiều lần nữa”, ông Đoán nhận xét.
Ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc công ty CP Việt Nam, cho biết từ 1/4, đơn vị đã áp dụng mức giá 70.000 đồng/kg lợn hơi và 93.000 đồng/kg lợn mảnh. Việc giảm giá lợn hơi khiến lượng tiêu thụ của CP đã tăng đột biến, gấp 1,5 lần so với thời điểm trước đó. Hiện mỗi ngày, riêng kho tại Đồng Nai, CP phải cung ứng từ 3.400 đến 3.600 con lợn mà vẫn ko đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Việc tăng đột biến đơn hàng khiến cho đơn vị không đủ nguồn cung cho thị trường.
Cũng theo ông Lê Xuân Huy, mặc dù đơn vị đã thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ về việc giảm giá lợn hơi cũng như thịt lợn mảnh bán ra thị trường, tuy nhiên giá bán lẻ thịt lợn phải qua nhiều khâu phân phối nên công ty cũng không thể can thiệp để đảm bảo giá được giảm khi tới tay người tiêu dùng. "Dù doanh nghiệp chăn nuôi có giảm giá bán cũng chưa chắc người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Muốn có được một thị trường thịt lợn bình ổn bền vững, ngoài các doanh nghiệp lớn giảm giá, sự hợp tác của các chủ thể trong chuỗi cung ứng thịt lợn từ thương lái, lò giết mổ, thương nhân bán sỉ, tiểu thương bán lẻ là rất cần thiết để giảm giá thịt lợn”, ông Huy nói.
Trong khi đó, một chủ trại chăn nuôi lợn tại Đồng Nai cũng cho rằng, khi người chăn nuôi giảm giá bán lợn hơi thì các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cám, thuốc thú y cũng cần có chính sách giảm giá tương ứng, như một sự hỗ trợ với ngành chăn nuôi.
"Giá lợn hơi cần phải tiếp tục giảm nữa mới đúng giá thành và đảm bảo lợi nhuận cho người kinh doanh. Tuy nhiên, để giảm được giá thịt lợn trong tình hình hiện nay, bên cạnh giải pháp trước mắt là tăng nguồn thịt nhập khẩu thì giải pháp lâu dài vẫn là tái đàn, nâng sản lượng thịt lợn trong nước, phát triển ngành chăn nuôi bền vững để ổn định giá thành thịt lợn", ông Lê Văn Tiển cho biết.