Như vậy, giá vàng đã đảo ngược xu hướng suy giảm của cả tuần trước đó.
Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 1,9% lên mức 1.526,60 USD/ounce vào lúc 1 giờ 01 phút (ngày 24/8 theo giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tiến 1,9% lên khép phiên ở mức 1.537,6 USD/ounce
Trong bài phát biểu được giới quan tâm vô cùng chú ý tại Hội nghị các thống đốc Fed tổ chức ở Jackson Hole, Wyoming vào cùng ngày 23/8, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết nền kinh tế Mỹ đang ở một “vị thế thuận lợi". Nhưng ông cũng đã đưa ra một vài manh mối về khả năng cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tiếp theo. Chủ tịch Fed cũng liệt kê một loạt các rủi ro kinh tế và địa chính trị mà Fed đang theo dõi, lưu ý rằng những yếu tố này có liên quan đến những bất ổn thương mại.
Chiến lược gia thị trường cấp cao Bob Haberkorn tại công ty môi giới đầu tư RJO Futures nhận định diễn biến tăng giá mạnh trong phiên này là do nhiều người mua vàng vào với kỳ vọng lãi suất sẽ thấp hơn vào cuối năm, sau khi ông Powell nói rằng Fed sẽ có hành động phù hợp để duy trì đà mở rộng của nền kinh tế Mỹ. Hai công cụ chính mà ngân hàng trung ương này có trong tay là chương trình nới lỏng định lượng (QE) hoặc hạ lãi suất xuống thấp hơn - cả hai công cụ này đều hỗ trợ giúp vàng đi lên.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp tại công ty môi giới tài chính OANDA, cho rằng sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Fed cắt giảm lãi suất đủ 1 điểm phần trăm trong 12 tháng tới và tiến hành một chương trình QE mới. Nhất là khi tính đến một vài sự kiện vĩ mô có thể diễn biến xấu đi trong giai đoạn này, bao gồm sự không chắc chắn về thương mại, tình trạng giảm tốc tăng trưởng tại Trung Quốc và Đức, vụ “li hôn” giữa nước Anh và Liên minh châu Âu (EU), vấn đề biểu tình leo thang tại Hong Kong (Trung Quốc) và sự giải thể của Chính phủ đương nhiệm tại Italy.
Với mức tăng gần 2% trong phiên cuối tuần, giá vàng đã thành công đảo ngược xu hướng từng được giới quan sát dự báo sẽ là tuần giảm giá mạnh nhất kể từ ngày 29/3. Tính chung trong tuần giao dịch kết thúc vào ngày 23/8, giá vàng thế giới đã tăng 0,9% thay vì giảm 1,2% như dự báo trước đó. Đây có thể coi là một “màn trình diễn” khá ấn tượng của vàng thế giới, khi tính đến việc vàng chỉ có một phiên tăng giá duy nhất.
Mở đầu tuần mới, trong phiên giao dịch 19/8, giá vàng Mỹ giao tháng 12/2019 đã giảm 12 USD (0,79%) xuống 1.511,60 USD/ounce còn giá vàng giao ngay có lúc sụt giảm tới hơn 1% xuống dưới ngưỡng 1.500 USD/ounce. Phiên này, tâm lý nhà đầu tư đã được xoa dịu khi lo ngại về khả năng các nền kinh tế lớn sẽ rơi vào suy thoái đã giảm bớt.
Sang phiên ngày 20/8, giá vàng đã phục hồi và trở lại ngưỡng trên 1.500 USD/ounce do lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức 1,55%. Qua đó, thị trường gia tăng kỳ vọng về khả năng Fed sẽ tiến hành chính sách tiền tệ “nới lỏng” hơn nhằm tránh tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu.
Nhưng cũng chính yếu tố chính sách của Fed đã khiến thị trường thoái lui trong hai phiên liên tiếp sau đó, khi ngân hàng trung ương này liên tục phát đi những tín hiệu “nhiễu” về định hướng chính sách của mình. Trong phiên ngày 22/8, giới quan sát cho rằng giá vàng thế giới đang hướng đến mức suy giảm 1,2% tính chung trên cả tuần – cao nhất kể từ cuối tháng Ba tới nay. Tuy nhiên, sự phục hồi mạnh mẽ của phiên cuối tuần đã giúp giá vàng đảo ngược xu hướng trên.