Ai trong chúng ta cũng có một nỗi sợ riêng - đó có thể là nỗi sợ bóng tối, sợ sự cô đơn, hay đơn giản chỉ là sợ một loài vật như nhện, chuột... Cảm xúc ấy nhìn chung có lẽ xuất phát từ cuộc sống, từ những trải nghiệm kinh hoàng từng xảy đến với mỗi người.
Song ít ai biết rằng, thực ra, có nỗi sợ đã tồn tại thậm chí từ khi con người chưa cất tiếng khóc chào đời. Qua quá trình tiến hóa hàng triệu năm, bên trong cơ thể chúng ta đã hình thành những cấu trúc, bộ phận quy định một số điều mà con người chắc chắn sẽ lo sợ…
Những cảm giác như rùng mình khi nhìn thấy rắn, toát mồ hôi khi ở trên một tòa nhà cao tầng, đi máy bay… đó được gọi là chứng sợ hãi (phobia). Cùng điểm qua những chứng sợ hãi khác thường nhưng được chứng minh là có thật và không chỉ xuất hiện trên một cá nhân dưới đây.
1. Sợ màu vàng (Xanthophobia)
Những người mắc chứng Xanthophobia thường lo sợ mọi thứ liên quan đến màu vàng |
Những người mắc chứng bệnh này lo sợ bất cứ thứ gì liên quan đến màu vàng. Họ sợ màu vàng của mặt trời, màu vàng của hoa thủy tiên và sơn màu vàng…thậm chí họ sợ hãi khi nghe người khác nói đến màu vàng.
2. Sợ ngủ (Somniphobia)
Những người mắc chứng Somniphobia sợ ngủ vì thường liên tưởng giấc ngủ với cái chết |
Họ sợ ngủ vì thường liên tưởng giấc ngủ với cái chết. Đó là kết quả của cảm giác thiếu kiểm soát hoặc thường xuyên gặp những cơn ác mộng.
3. Sợ gương (Spectrophobia)
Nhiều người không dám nhìn vào gương mỗi khi trời tối vì họ sợ sẽ nhìn thấy người hoặc vật nào đó xuất hiện phía sau họ |
Chứng sợ gương là sự sợ hãi khi tiếp xúc với thế giới tâm linh thông qua một tấm gương. Người mắc bệnh có cảm giác lo sợ quá mức mặc dù họ nhận biết đó chỉ là cảm giác vô lý. Sự sợ hãi của người bệnh thường bắt nguồn từ thói mê tín dị đoan. Họ sợ rằng gương vỡ sẽ mang lại điều xui xẻo hay con người sẽ tiếp xúc với một thế giới siêu nhiên bên trong tấm gương.
Nhiều người không dám nhìn vào gương mỗi khi trời tối vì họ sợ sẽ nhìn thấy người hoặc vật nào đó xuất hiện phía sau họ.
4. Nỗi sợ liên quan đến điện thoại di động (Nomophobia)
Hơn một nửa số người Anh mắc chứng bệnh Nomophobia ở những mức độ nặng nhẹ khác nhau |
Chứng bệnh này được phát hiện cách đây 5 năm. Hơn một nửa số người Anh mắc chứng bệnh Nomophobia ở những mức độ nặng nhẹ khác nhau. Họ thường lo sợ điện thoại bị mất tín hiệu, bị hết pin hoặc sợ bị mất điện thoại.
5. Sợ mưa (Ombrophobia)
Nguyên nhân gây ra chứng Ombrophobia có thể là do trẻ em thường bị người lớn dọa đi ra ngoài khi trời mưa sẽ bị ốm |
Họ sợ những cơn mưa bất chợt. Nguyên nhân gây ra chứng bệnh này có thể là do trẻ em thường bị người lớn dọa đi ra ngoài khi trời mưa sẽ bị ốm. Mưa cũng thường liên quan đến bệnh trầm cảm.
6. Sợ ông Trời (Uranophobia)
Những người mắc chứng Uranophobia sợ bầu trời và thế giới bên kia |
Những người này sợ bầu trời và thế giới bên kia. Nó được bắt nguồn từ giáo lý của các tôn giáo. Họ lo sợ bị phán xét sau khi chết. Các nhà tâm lý cho biết đó là sự duy tâm, một số cha mẹ thường răn dạy con rằng nếu không ngoan sau này sẽ bị ông Trời trừng phạt.
7. Sợ con số 13 (Trikaidekaphobia)
Nỗi sợ con số 13 thường liên quan đến nỗi sợ hãi thứ Sáu ngày 13 |
Rất nhiều người sợ con số 13, nó thường liên quan đến nỗi sợ hãi thứ Sáu ngày 13. Nhiều người tránh sử dụng con số 13. Nhiều cầu thủ không dám mang số áo 13, nhiều khu cao tầng không có tầng số 13.
8. Sợ không gian kín (Claustrophobia)
Những triệu chứng của chứng sợ không gian kín thường xuất hiện khi người bệnh ở trong một không gian chật hẹp |
Những triệu chứng của chứng sợ hãi này thường xuất hiện khi người bệnh ở trong một không gian chật hẹp như đi thang máy, lái xe, đi máy bay…
9. Sợ bóng tối (Nyctophobia)
Sợ bóng tối là một trong những chứng sợ hãi phổ biến nhất ở trẻ em |
Trên thực tế, sợ bóng tối là một trong những chứng sợ hãi phổ biến nhất ở trẻ em. Giáo sư Thomas Ollendick - chuyên gia tâm lý học, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em Virginia (Mỹ) cho biết: “Trẻ em thường tin vào những thứ chúng tưởng tượng ra trong bóng tối, như bị bắt cóc, bị lấy mất đồ chơi…”.
Những sự sợ hãi này sẽ khiến trẻ cảm thấy lo lắng và dần phát triển thành chứng sợ hãi. Nếu không được điều trị, chứng sợ bóng tối vẫn tồn tại khi trẻ lớn lên.
10. Sợ bị chích hoặc kim tiêm (Trypanophobia)
Sợ kim tiêm là biểu hiện của sự sợ bệnh viện hay các vật nhọn nói chung |
Sợ kim tiêm là biểu hiện của sự sợ bệnh viện hay các vật nhọn nói chung. Chứng sợ hãi này có thể dẫn đến các phản ứng sinh lý nghiêm trọng như tụt huyết áp, ngất xỉu…
Trong một vài trường hợp, khi chứng bệnh này trở nên nặng hơn có thể khiến bệnh nhân né tránh mọi vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe.
11. Sợ bị bệnh (Nosophobia)
Những người bị rối loạn Nosophobia có thể trở thành “khách hàng” thường xuyên của bác sĩ, hoặc ngược lại tránh né việc khám bệnh vì sợ nghe tin xấu |
“Bệnh tưởng” là một rối loạn có liên quan đến sự sợ hãi dai dẳng về việc mắc một căn bệnh không rõ nào đó. Những người bị rối loạn này có thể trở thành “khách hàng” thường xuyên của bác sĩ, hoặc ngược lại tránh né việc khám bệnh vì sợ nghe tin xấu.
“Hội chứng sinh viên y khoa” và “khám bệnh qua mạng” là những dạng cơ bản của chứng sợ bị bệnh. Khi đó người mắc chứng rối loạn này sẽ tích cực nghiên cứu một căn bệnh nào đó và sau đó bắt đầu tin rằng mình có những triệu chứng của bệnh đó.
12. Sợ vi trùng (Mysophobia hay Germophobia)
Chứng sợ vi trùng là sự sợ hãi dữ dội về việc bị nhiễm bệnh do vi trùng |
Chứng sợ vi trùng là sự sợ hãi dữ dội về việc bị nhiễm bệnh do vi trùng. Nó liên quan đến chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, mà biểu hiện đặc trưng nhất là việc rửa tay quá nhiều.
Những người mắc bệnh này thường cho rằng, tay luôn dơ bẩn và cần phải thường xuyên rửa tay để “gột sạch” vi trùng.
Bùi Ly (T/h)
Xem thêm:
- Những câu chuyện rùng rợn, có thật về bệnh 'ái tử thi'
- Lý giải hội chứng ‘con tin yêu kẻ bắt cóc’ trong tâm lý học tội phạm