Theo ban tổ chức, ba nhà khoa học Alain Aspect (người Pháp), John Clauser (người Mỹ) và Anton Zeilinger (người Áo) được vinh danh nhờ những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực khoa học lượng tử.
Alain Aspect, John Clauser và Anton Zeilinger đã có những thí nghiệm mang tính đột phá bằng cách sử dụng các trạng thái liên đới lượng tử, trong đó hai lượng tử hạt hoạt động như một đơn vị duy nhất ngay cả khi chúng tách rời nhau. Qua các thí nghiệm của mình, bộ ba chủ nhân của giải Nobel Vật lý 2022 đã chứng minh tiềm năng trong việc kiểm soát liên đới lượng tử. Kết quả nghiên cứu chung này đã mở đường cho công nghệ mới dựa trên thông tin lượng tử.
Năm ngoái, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã vinh danh 3 nhà khoa học: Syukuro Manabe (người Mỹ sinh tại Nhật Bản), Klaus Hasselmann (Đức) và Giorgio Parisi (Italy) “vì những đóng góp mang tính đột phá giúp chúng ta hiểu biết về các hệ thống vật lý phức tạp và mô hình vật lý khí hậu Trái Đất và định lượng các dự báo chính xác về khí hậu ấm lên trên toàn cầu.
Giải Nobel Vật lý là giải thứ hai được công bố trong mùa giải Nobel năm nay. Trước đó, Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển) ngày 3/10 đã trao giải Nobel Y sinh năm 2022 nhà khoa học người Thụy Điển Svente Paabo. Theo Ban tổ chức, nhà khoa học, di truyền học người Thụy Điển Stenve Paabo được vinh danh vì những phát hiện mang tính đột phá của ông về sự tiến hóa của con người.
Tiếp theo các giải Nobel Y Sinh và Vật lý, giải Hóa học sẽ được công bố ngày 5/10, Văn học ngày 6/10. Giải Nobel Hòa bình là giải thưởng duy nhất được công bố ở Oslo (Na Uy) vào ngày 7/10. Giải Nobel Kinh tế sẽ được trao ngày 10/10 và khép lại mùa giải Nobel năm nay.
Giải Nobel, là một giải thưởng quốc tế được công bố hàng năm kể từ năm 1901 để vinh danh những cá nhân đạt thành tựu trong các lĩnh vực Vật lý, Hoá học, Y sinh, Văn học và Hoà bình; riêng giải Nobel Hoà bình có thể được trao cho cá nhân hay một tổ chức. Đến năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đưa thêm vào hệ thống giải một giải thưởng về lĩnh vực Kinh tế để tưởng nhớ nhà khoa học Alfred Nobel, người đã sáng lập ra giải Nobel.