56 thí sinh được nâng điểm ở Hòa Bình, 44 thí sinh được nâng điểm ở Sơn La, 114 thí sinh được nâng điểm ở Hà Giang, trong đó, có thí sinh được nâng đến hơn 26 điểm cho ba môn thi.
Trả điểm thật hay hủy bài thi?
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong tháng 3/2019, Bộ đã chấm thẩm định xong bài thi của các thí sinh có bài thi gian lận tại Hòa Bình và Sơn La. Trong đó, tại Hòa Bình có 140 bài thi trắc nghiệm và 22 bài thi tự luận được can thiệp, nâng điểm ít nhất từ 0,2 điểm đến cao nhất 9,25 điểm/môn. Cao nhất có 1 thí sinh có bài thi môn Hóa học được nâng lên 9,25 điểm. Cá biệt, có thí sinh tổng điểm thi 3 môn được tăng lên đến 26,45 điểm.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có danh sách thí sinh được nâng điểm bài thi, tuy nhiên, danh sách này vẫn là một điều bí mật.
Tại Sơn La, có 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi tự luận được can thiệp nâng điểm. Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9 điểm. Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Điểm sau chấm thẩm định là điểm thật của thí sinh, là căn cứ xét tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Điều này dựa theo Điều 31 quy định về việc Chấm thẩm định của Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia. Tuy nhiên, cũng theo Điều 49 của Quy chế thi này, bài thi của thí sinh sẽ bị hủy nếu có can thiệp sau khi làm bài thi. Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh sẽ bị hủy bài thi, dù đó là bài thi thật và không được xét tốt nghiệp cũng như tuyển sinh đại học.
Theo ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Lê Quý Đôn, Hà Nội, nếu xử lý theo hướng công nhận điểm thi thật của thí sinh là không công bằng và không đủ tính răn đe.
“Nếu cứ gian lận, nếu trót lọt thì tốt, không trót lọt thì vẫn được công nhận điểm thật, sẽ khiến những người có ý định gian lận tiếp tục hành vi của mình, vì suy cho cùng, thí sinh chỉ có lợi mà chẳng mất mát gì”, ông Bình chia sẻ.
Vì thế, theo ông Bình, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải xử lý nghiêm theo Điều 49 của Quy chế thi.
Nên công khai
Bên cạnh vấn đề xử lý bài thi của thí sinh, việc có công khai danh sách thí sinh và phụ huynh vi phạm quy chế hay không cũng là vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Nhiều ý kiến cho rằng công khai danh sách thí sinh sẽ khiến các em bị tổn thương, có thể dẫn đến những hậu quả xấu khó lường, trong khi có thể các em chỉ là đối tượng được thụ hưởng mà không hề biết hành vi chạy nâng điểm của phụ huynh.
Tuy nhiên, theo bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13, những thí sinh được nâng ít điểm có thể không biết mình được nâng điểm, nhưng những thí sinh được nâng nhiều, đến trên 26 điểm, thậm chí có em đến 29,95 điểm như ở Hà Giang, thì không thể không biết mình được can thiệp để nâng điểm. Vì thế, các em cũng cần phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc Đại học quốc gia TP.HCM cũng cho rằng thí sinh đã đủ 18 tuổi và phải chịu trách nhiệm công dân. Cũng theo ông Nghĩa, cần công khai danh sách phụ huynh vi phạm, những người đã chủ tâm thực hiện gian lận vì đây là hành vi tham nhũng trong giáo dục.
Công khai danh sách phụ huynh gian lận, thậm chí cần truy cứu trách nhiệm trước pháp luật cũng là ý kiến của ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT.
Đối với các thí sinh, ông Tùng cho rằng cần chứng minh được việc các em có tham gia, biết việc bài thi của mình được can thiệp hay không. Nếu có, các em cũng phải chịu trách nhiệm và bị công khai danh tính.
Cùng thời điểm này, tại Mỹ, một vụ gian lận thi cử tương tự cũng đã bị phanh phui, khi các phụ huynh giàu có đã chi tiền để chạy cho con vào các đại học danh tiếng. Điểm khác biệt là danh tính thí sinh và phụ huynh gian lận điểm thi được công bố công khai, 50 phụ huynh đã bị bắt để điều tra, thì ở Việt Nam, danh sách này vẫn đang “bí mật quốc gia”?