“Pháp đã trở thành một đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu. Ngược lại, Việt Nam cũng trở thành một đối tác rất quan trọng của Pháp ở châu Á, do vai trò ngày càng lớn và những đóng góp của Việt Nam đối với hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới,” Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp từng đánh giá.
Thắt chặt quan hệ từ những chuyến thăm cấp cao
Từ ngày 2-4/11, Thủ tướng Pháp Édouard PHILIPPE sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2018) và 5 năm quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước (2013-2018).
Đây là chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược song phương sau khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp vào tháng 3 năm nay. Tại đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam và Thủ tướng Pháp cùng nhất trí quyết tâm đưa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư phát triển mạnh mẽ hơn nữa để tương xứng với quan hệ về chính trị, văn hóa và tiềm năng còn rất lớn của hai nước.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng khẳng định tiềm năng hợp tác kinh tế thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Pháp là rất lớn, các doanh nghiệp hai nước cần tăng cường kết nối trên cơ sở phát huy thế mạnh của mình cũng như phục vụ tốt yêu cầu phát triển của hai quốc gia trong giai đoạn hiện nay.
Với chính sách hướng sang châu Á của Pháp, thì Việt Nam đang được coi là đối tác quan trọng trong lợi ích của Pháp tại Đông Nam Á và khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương.
Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Pháp sẽ hội kiến với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, đồng thời sẽ cùng với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng chủ trì lễ ký kết các hợp đồng thương mại giữa hai bên.
Thương mại – điểm nhấn chính trong quan hệ kinh tế
Theo Tổng cục Hải quan, quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Pháp đã và đang có những bước phát triển tích cực.
Trong số những quốc gia Châu Âu, Pháp đứng thứ năm về thương mại với Việt Nam, sau Đức, Anh, Hà Lan và Italy. Dự kiến, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU sau khi được ký kết và đi vào thực hiện sẽ giúp tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với EU nói chung và Pháp nói riêng.
Những năm gần đây, trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Pháp luôn lớn hơn trị giá nhập khẩu hàng hóa từ thị trường này nên cán cân thương mại luôn ở trạng thái thặng dư nghiêng về phía Việt Nam.
Giai đoạn 2013-2017, mức thặng dư của Việt Nam trong thương mại với Pháp đều trên 1 tỷ USD/năm và có xu hướng tăng dần qua các năm. Đặc biệt, riêng năm 2017, mức thặng dư thương mại này đã vượt mốc 2 tỷ USD.
Tăng mạnh thương mại hai chiều trên cơ sở hai bên cùng có lợi luôn là một trong các mục tiêu quan trọng được lãnh đạo cấp cao hai nước xúc tiến trong các chuyến thăm chính thức. Mục tiêu này đang được hiện thực hoá với những hợp đồng tỷ đô được ký kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và những doanh nghiệp hàng đầu tại Pháp như Airbus, Air France KLM, Tập đoàn Safran - CFM, Gecas France, Tập đoàn Boyugues, Tập đoàn Geopost… , đặc biệt trong chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Pháp tháng 3 vừa qua.
Tập đoàn FLC ký thỏa thuận mua máy bay từ Airbus |
Nổi bật trong số những hợp đồng thương mại lớn này là thỏa thuận mua 24 máy bay A321NEO trị giá 3,2 tỷ USD giữa Tập đoàn FLC và Tập đoàn Airbus, được ký kết dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Pháp François de Rugy. Theo các chuyên gia kinh tế, những hợp đồng mua hàng lớn như vậy sẽ góp phần cân bằng cán cân thương mại, thúc đẩy phát triển kim ngạch thương mại song phương, tạo ra hàng ngàn việc làm và góp phần cải thiện đời sống cho rất nhiều người lao động ở hai nước.