Trong sự kiện này, Giáo hoàng Francis đã thông qua Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Giáo dục Stefania Giannini, gửi lời chào tới các giáo viên và nhà giáo dục, trong đó nhận định "tương lai của nhân loại phụ thuộc vào chất lượng của giáo viên và nền giáo dục”.
Để đạt được “một nền giáo dục mở và hòa nhập”, đại diện từ các tôn giáo khác nhau khẳng định ủng hộ cách tiếp cận giáo dục toàn diện và nhân văn, đồng thời chia sẻ cam kết “đặt con người vào trung tâm của mọi quá trình giáo dục, lắng nghe và tôn trọng học sinh, dạy lối sống tôn trọng môi trường hơn”. Các lãnh đạo tôn giáo cũng đã mô tả vai trò chính của giáo dục trong việc nuôi dưỡng các giá trị phổ quát về sự quan tâm, lòng khoan dung, tôn trọng và đoàn kết.
Cuộc họp đầu tiên thuộc loại hình này được tổ chức để tiến tới một cuộc họp toàn cầu về giáo dục do Đức Giáo hoàng khởi xướng vào năm 2019 với tư cách là một liên minh rộng lớn của tất cả những người tham gia vào lĩnh vực giáo dục, nhằm định hình tương lai của nhân loại.
Mọi sự thay đổi đều đòi hỏi một quá trình giáo dục hướng đến phát triển tình đoàn kết mới và một xã hội cởi mở hơn. Chúng tôi muốn kích thích hoạt động giáo dục đổi mới nhằm thúc đẩy tình huynh đệ phổ quát. Hôm nay, chúng tôi muốn tái khẳng định sứ mệnh giáo dục toàn diện mỗi cá nhân, cả trí óc, trái tim, đôi tay và linh hồn.
Đức Giáo hoàng Francis
Đức Giáo hoàng nhấn mạnh trách nhiệm của các tôn giáo trong việc thúc đẩy chung sống hòa bình, đối thoại và tôn trọng lẫn nhau. Ngài cũng đề cao việc giáo dục lớp trẻ không phân biệt đối xử tôn giáo cũng như bất cứ hình thức phân biệt đối xử nào, tôn trọng quyền của phụ nữ, trẻ em và những người dễ bị tổn thương nhất, đồng thời khuyến khích người trẻ có thể trở thành "tiếng nói" cho những người yếu thế hơn.
Khẳng định rằng “thiên nhiên không bao giờ tha thứ”, Đức Giáo hoàng Francis đã nhắc đến trách nhiệm sinh thái, khẳng định tầm quan trọng của việc rèn luyện cho thế hệ hiện tại và thế hệ tương lai lối sống bền vững hơn về mặt sinh thái.
Bà Giannini nhắc lại rằng những người trẻ tuổi đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ về trách nhiệm chung tại hội nghị thượng đỉnh Thanh niên khí hậu trước COP vào ngày 29/9 ở Milan. Bà khẳng định các tuyên bố của các nhà lãnh đạo tôn giáo đã cộng hưởng với tầm nhìn nhân văn của UNESCO về giáo dục, nhấn mạnh rằng giáo viên là trung tâm của sự thay đổi.
Nếu không có những giáo viên được trao quyền và chuẩn bị tốt, chúng ta không thể làm được gì. Như thực tế diễn ra trong đại dịch COVID-19, không có màn hình và thiết bị nào có thể thay thế được đội ngũ giáo viên. Yếu tố con người là trọng tâm của sự học hỏi và thành công.
Bà Stefania Giannini, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Giáo dục
Cuộc họp quy tụ các đại diện từ Hồi giáo, Do Thái giáo, Sikh, Kỳ Na giáo, Tòa Thượng phụ Constantinople, Nhà thờ Chính thống Nga, Giáo hội Quakers, Hội đồng Thế giới của các Giáo hội, Liên minh Tin lành Thế giới.