Năm nay cũng là năm thứ 18 của cô Lường Thị Hải, trường Tiểu học Mường Bám 1, xã Mường Bám, huyện Thuận Châu, Sơn La gắn bó với giáo dục vùng cao. Cô Hải kể rằng không biết có phải đó là cái duyên không, nhưng đây là năm thứ 18 cô gắn bó với học sinh lớp 1.
“Học sinh không biết tiếng phổ thông, cô giáo phải dạy các em từ đi đứng đến chào hỏi cầm bút. Mấy ngày đầu nhận lớp tôi cũng nản nhưng rồi nghĩ học sinh như con mình, lại thiếu ăn, thiếu mặc... thương các em nghèo khó mà cố gắng. Học sinh của 4 bản lẻ như Nặm Ún, Thẳm Đún, Căm Cặn cùng nhau về đây học tâp. Có những học sinh cách xa trường đến 10km. Các em còn nhỏ, đi lại khó khăn, phải lên dốc, xuống đèo, qua suối. Ngày đầu tiên, cứ đến chiều lại có mấy em cầm túi quần áo đòi xin về. Khi hỏi tại sao các em muốn về, thì các em bảo cô cho em xin về tắm. Thế rồi ngày nào tôi cũng tắm cho hơn hai chục học sinh, giặt đầy mấy chậu quần áo cho các em. Được cô giáo tắm giặt sạch sẽ, các em thích lắm, đi học siêng năng hẳn”, cô Hải vui vẻ kể lại.
Hai con của cô Hải đều đang học nội trú xa nhà, xa cả cô. Nhiều lúc nhìn học sinh, cô Hải không khỏi chạnh lòng nhớ con. Đồng nghiệp trêu đùa rằng: “Con mình không chăm, đi chăm con thiên hạ”. Có lần con cô bảo: “Cô giáo con bảo chưa thấy ba mẹ đi họp phụ huynh bao giờ. Toàn thấy cậu mợ đi họp hộ thôi. Con bảo ba mẹ con bận lắm, vì ba mẹ con là giáo viên vùng cao".
“Thương các con bao nhiêu, lại thương học trò nghèo của mình bấy nhiêu. Tôi may mắn vì các con dù xa bố mẹ, khó khăn nhưng vẫn rất tình cảm và chia sẻ với bố mẹ”, cô Hải nói.
Công tác ở những vùng khó khăn, cô Hải chia sẻ những giáo viên cắm bản như cô cũng đã quen với những gian nan, vất vả. “Năm trước, có giáo viên trẻ mới nhận công tác trên này, lần nào lên trường đi xe máy cũng bị ngã, nhưng ngã rồi lại dậy đi, lại tiếp tục cuộc hành trình. Em đồng nghiệp bảo: Chị ơi, lần nào lên trường xe máy của em cũng rơi mất một bộ phận, không biết rơi đâu nữa”, cô Hải cười.
Cô Hải tâm sự, sau 18 năm công tác, có cơ hội trải nghiệm nhiều cung đường đến trường, khi băng rừng, lội suối đến trường. Có lúc hỏng xe dắt bộ trong rừng, có khi đi cả ngày đường mới đến nơi. Có lúc hoảng sợ đến rơi nước mắt trên đường vắng, nhưng cô vẫn muốn tiếp tục gắn bó, chăm sóc cho những đứa trẻ còn nhiều thiếu thốn ở mảnh đất Mường Bám xa xôi này.
Đốt đuốc vào rừng vận động học sinh đến lớp
Giống như cô Hải, đây cũng là năm thứ 11 cô Đinh Thị Thảo trở thành giáo viên cắm bản tại huyện Mường Nhé, Điện Biên- một huyện miền núi khó khăn, địa hình hiểm trở nằm trên ngã ba biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc và Lào. Nơi đây có đến hơn 1 nửa diện tích là rừng.
Cô Thảo nhớ đến những ngày mới đến Mường Nhé nhận công tác, đường xá đi lại khó khăn. Mùa mưa hay sạt lở đường, mùa khô mất nước. “Những ngày đầu nước ở đây quý lắm, vì thiếu nước vô cùng”, cô Thảo kể.
Lớn lên ở huyện miền núi, cô Thảo tự nhận mình đã quen với cái nghèo, cái vất vả, thế nhưng khi đến với Mường Nhé, cô lại càng thấm thía hơn nỗi gian nan của học sinh mỗi khi đến trường. Những lớp học ở đây cũng hết sức đơn sơ, chỉ là những nhà học tạm, nắng chiếu qua vách lớp, mái nhà, ngày mưa học sinh vẫn được cảm nhận cả cái mưa rừng lạnh giá. Buổi tối, những giáo viên cắm bản như cô Thảo lại tiếp tục đi dạy các lớp phổ cập. Những ngày học sinh nghỉ học nhiều, cô giáo Thảo lại cùng đồng nghiệp đi bộ, trèo đèo lội suối đi hàng cây số đường rừng để vận động các em tới lớp.
“Khi nhà nhà lên đèn, chúng tôi mới dò đường đến nhà học sinh, vì có đến sớm cũng không gặp được bố mẹ các em, giờ đó họ mới đi làm nương về. Nhiều khi ngày mưa gió đi sợ quá, tôi lại phải nhờ chồng đưa đi, có khi 9-10h mới từ rừng ra. Có khi đến nhà nhưng không gặp được bố mẹ các em thì lại phải lần đường lần sau quay lại tiếp”, cô Thảo kể.
Cô Lường Thị Hải có hơn 10 năm gắn bó với lớp 1, dạy học trò từ những nét bút đầu tiên. |
Với những giáo viên cắm bản vùng sâu vùng xa như cô Thảo, khó khăn vất vả không chỉ ở đường sá hiểm trở, cơ sở vật chất thiếu thốn, mà khó nhất là cần thay đổi tư duy về việc học của học sinh, phụ huynh, để không còn cảnh ngày ngày phải đến từng nhà vận động các em đến lớp.
“Giáo viên cắm bản chúng tôi, đâu ngại gì khó khổ, nhưng chỉ cần thấy các em đi học đông đủ đã là mừng lắm rồi. Ở đây, nhiều gia đình khó khăn, đường xá xa xôi, cả học sinh không muốn đi học, phụ huynh cũng muốn con ở nhà làm nương rẫy, chăn trâu. Nhiều nơi vì hủ tục, mà muốn các em ở nhà lấy vợ lấy chồng sớm”, cô Thảo cho biết.
Chia sẻ về những năm làm giáo viên cắm bản, cô Thảo thú thực cũng đã có những lúc muốn từ bỏ, thế nhưng lại nghĩ, nếu ai cũng từ bỏ, ai sẽ mang tri thức đến với những đứa trẻ vùng sâu vùng xa. “Cứ làm thì sẽ thành công, còn thấy khó mà bỏ thì sẽ chẳng bao giờ làm được. Đến nay đã 11 năm gắn bó với Mường Nhé, chứng kiến sự thay đổi, trỗi dậy từng ngày của mảnh đất, của con người nơi đây, những giáo viên chúng tôi lại càng có thêm động lực để cống hiến”, cô Thảo nói./.