Giáo viên ‘mách nước’ ôn thi hiệu quả: Cần ôn chắc, tránh dàn trải

[Ngày Nay] - Theo các giáo viên có kinh nghiệm, để thi tốt trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, thời điểm này, học sinh nên bám chắc vào những yêu cầu của đề thi để có kế hoạch ôn tập chi tiết và đạt hiệu quả cao.

Môn Toán: Đừng trông chờ vào sự ăn may

Với hình thức thi trắc nghiệm, đề thi môn Toán có 50 câu, thời gian làm bài 90 phút, tương ứng 1,8 phút cho mỗi câu. Cấu trúc đề thi sắp xếp từ dễ đến khó, tạo thuận lợi cho thí sinh.

Theo nhận định của nhiều thầy, cô dạy Toán, trong đề thi, khoảng 20 câu đầu tiên thường khá dễ, thí sinh hoàn toàn có thể bấm máy tính được nhưng cách làm này sẽ chậm hơn giải bằng tay rất nhiều. Từ câu 21 đến 35 đòi hỏi thí sinh phải biết xử lý các dạng cơ bản; những câu hình học ở phần này chưa mang tính biến đổi nhiều, thí sinh trung bình hoàn toàn có thể làm được mà không cần lo lắng. Từ câu 36 đến 50 bắt đầu có sự phân loại, có nhiều câu hình học hơn nên các em thường tốn khá nhiều thời gian ở phần này. Vì vậy, để tránh mất thời gian cho những câu hỏi khác, các thí sinh nên lựa chọn những câu dễ làm trước, câu khó làm sau.

Cô Nguyễn Thị Liên - Giáo viên bộ môn Toán trường THPT Tuệ Tĩnh (Hải Dương) cho biết, để có thể đạt kết quả cao ở môn thi này, khi ôn tập, học sinh cần chia thành các giai đoạn nhỏ. “Đầu tiên, các em nên lướt lại toàn bộ kiến thức cần thiết cho kỳ thi, xây dựng dưới dạng sơ đồ, xem phương pháp của mỗi dạng bài, câu hỏi. Sau đó, các em nên luyện đề tổng hợp để tự mình đánh giá kiến thức hiện tại của bản thân, cũng như rèn kỹ năng làm bài”, cô Liên nói.

Giáo viên ‘mách nước’ ôn thi hiệu quả: Cần ôn chắc, tránh dàn trải ảnh 1

Việc tập trung luyện đề ở thời điểm này không chỉ giúp học sinh hệ thống lại kiến thức đã học mà còn rèn luyện được tâm lý ổn định trong phòng thi. Hiện nay, đa phần học sinh thường gặp phải vấn đề tâm lý khi giải quyết đề thi, đặc biệt khi gặp các dạng câu hỏi khó và mới, dẫn đến kết quả làm bài không như mong muốn.

Ngoài ra, học sinh đừng nên “hy vọng” vào sự ăn may, “ỷ lại” vào mẹo hay bất cứ một thủ thuật giải nhanh nào mà lơ là trong ôn tập. “Điểm Toán trắc nghiệm cao là nhờ vào sự tư duy, kiến thức chắc, luyện tập chăm chỉ và sự cẩn thận”, cô Liên nhấn mạnh.

Môn Ngữ văn: Không phải viết càng dài điểm càng cao

Ngữ văn là môn duy nhất thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút và được xem là môn thi quan trọng trong kỳ thi THPT quốc gia. Do vậy, để có kết quả tốt nhất trong môn thi này, cô Nguyễn Thị Loan - Giáo viên bộ môn Ngữ văn trường THPT Tuệ Tĩnh (Hải Dương) cho biết: Đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn gồm 3 phần.

Đối với phần Đọc - Hiểu, học sinh cần phải đọc kĩ văn bản, gạch chân những từ ngữ quan trọng để nắm được nội dung chủ đề. Sau đó, bám vào văn bản trong đề thi để trả lời hệ thống câu hỏi theo trình tự. Để đạt điểm tối đa trong phần này, thí sinh cần ôn kĩ các thao tác lập luận, các phương thức biểu đạt, các phép tu từ, tác dụng của các biện pháp nghệ thuật... Chú ý, các câu hỏi trong phần này được phân chia làm 3 cấp độ nhận biết - thông hiểu - vận dụng thấp, vì vậy, học sinh cần phải trả lời ngắn gọn, rõ ràng, đúng trọng tâm, tránh lan man dài dòng.

Đối với phần Nghị luận xã hội, thông thường đề yêu cầu học sinh viết đoạn, không viết thành bài, dung lượng từ 2/3 đến 1 trang giấy thi. Đoạn văn phải đầy đủ các phần: Mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Vấn đề nghị luận được lấy từ văn bản phần đọc hiểu nên phải đọc kĩ và hiểu thấu đáo nội dung văn bản. Trong đề thi, đối với câu viết đoạn, thí sinh cần nắm được các dạng đoạn văn thường gặp như nghị luận về một đạo lý, hiện tượng xã hội, thông điệp rút ra từ văn bản đọc hiểu.

Nhiều học sinh thường ngộ nhận, bài càng dài, điểm càng cao nên hay viết tùy hứng và lan man. Các em nên trình bày thẳng vào vấn đề để người chấm thi không mất thời gian và dễ dàng hiểu được ý diễn đạt của đề bài. Đôi khi, học sinh chỉ cần đề cập từ khóa của đáp án là có thể ghi điểm...Cô Nguyễn Thị Loan

Phần Nghị luận văn học trong đề thi môn Ngữ văn luôn là thách thức lớn đối với mọi học sinh. Bởi nó vừa đòi hỏi sự sâu chuỗi những giá trị của tác phẩm với kiến thức lý luận văn học, vừa đòi hỏi sự thấu hiểu ở cả nội dung và nghệ thuật thể hiện của tác phẩm đó. Do vậy, để có thể đạt điểm cao trong phần này, học sinh cần phải ôn lại nội dung, nghệ thuật của các tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn 12. Nắm được ý chính, chủ đề của tác phẩm. Đối với văn xuôi phải thuộc dẫn chứng, nội dung bài; thơ thì phải thuộc bài, nét nghệ thuật đặc sắc từng bài thơ; kịch thì phải nắm được tình huống, xung đột kịch, tính cách nhân vật kịch… Ngoài ra, học sinh cũng cần phải nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm. Tìm hiểu sâu những chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong mỗi tác phẩm. Rèn luyện kĩ năng so sánh, liên hệ. Có khả năng đánh giá, bình luận về vấn đề. Thường xuyên đọc văn và bài văn mẫu để tăng vốn từ vựng. Thường xuyên làm văn để luyện viết.

“Nhiều học sinh thường ngộ nhận, bài càng dài, điểm càng cao nên hay viết tùy hứng và lan man. Các em nên trình bày thẳng vào vấn đề để người chấm thi không mất thời gian và dễ dàng hiểu được ý diễn đạt của đề bài. Đôi khi, học sinh chỉ cần đề cập từ khóa của đáp án là có thể ghi điểm, vì vậy, cần đầu tư cho cho hệ thống ý và luận điểm để thuyết phục người đọc.

Cách tốt nhất trong việc hệ thống ý và luận điểm là khi viết bài, các em cần xây dựng bố cục chặt chẽ, thậm chí có thể phác thảo dàn ý để tránh lạc đề. Cách trình bày bài văn cũng quan trọng, không nên gạch xóa nhiều trong bài gây mất thiện cảm với người chấm. Cố gắng viết chữ đẹp nếu có thể, còn không thì chữ viết cũng phải sạch sẽ dễ đọc, tuyệt đối không viết tắt. Môn Ngữ văn chấm cả điểm trình bày”, cô Loan chia sẻ thêm.

Môn Tiếng Anh: Nên chăm chỉ luyện đề

Tiếng Anh là bộ môn có khối lượng kiến thức rất lớn với hệ thống từ vựng, cấu trúc ngữ pháp và các trường hợp bất quy tắc phong phú. Để đạt được kết quả như mong muốn, đặc biệt vào thời điểm học sinh ôn tập gấp rút như hiện nay, thì việc có phương pháp và ôn tập đúng hướng là vô cùng quan trọng.

Giáo viên ‘mách nước’ ôn thi hiệu quả: Cần ôn chắc, tránh dàn trải ảnh 2

Cô Ngô Kim Hạnh - Giáo viên dạy Tiếng Anh Online.

Cô Ngô Kim Hạnh - Giáo viên dạy Tiếng Anh Online cho biết, ngoài việc học từ mới, cấu trúc ngữ pháp… thì học sinh cũng cần phải chăm chỉ luyện đề. “Nếu như việc học từ mới, cấu trúc ngữ pháp, cụm từ… giúp các em củng cố lại toàn bộ các kiến thức đã học, thì việc luyện đề sẽ giúp các em làm quen với các dạng câu hỏi khác nhau, cũng như rèn thêm nhiều kỹ năng khác khi làm bài. Các em cần dành ít nhất 1 - 2 tiếng/ngày vào buổi sáng, buổi chiều hoặc buổi tối để ôn luyện”, cô Hạnh chia sẻ.

Cũng theo cô Hạnh, khi ôn luyện, học sinh nên bám sát sách giáo khoa bởi đề thi sẽ bao quát toàn bộ kiến thức của chương trình THPT. Vì vậy, học sinh cần đọc lại tất cả các cấu trúc, cụm từ, ngữ pháp và từ vựng đã học trong sách giáo khoa. Đây là việc cực kỳ quan trọng, bởi nó sẽ giúp học sinh có cái nhìn tổng quát về các chủ đề mình đã học, từ đó làm bài đọc hiệu quả hơn.

Ngoài ra, học sinh cũng có thể tham khảo một số sách chuyên đề về ngữ pháp để luyện sâu về các thì, câu bị động, câu điều kiện, câu trực tiếp, câu gián tiếp, câu mệnh đề quan hệ, câu đảo ngữ, câu giả định…

Tổ hợp Khoa học tự nhiên: Cần phân bổ thời gian hợp lý

Cũng giống như môn Toán, đề thi môn tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) sẽ được sắp xếp từ dễ đến khó với thời gian làm bài hợp lý, không có nhiều câu đánh đố học sinh. Qua đề thử nghiệm của Bộ GD&ĐT có thể thấy mức độ câu khó giảm xuống nhưng sức ép về mặt thời gian khi làm bài thi lại tăng lên. Các môn Hóa học, Vật lý, Sinh học trong bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên sẽ có 50 câu, làm trong 60 phút.

Với môn Vật lý, thầy Đỗ Ngọc Hà - Giáo viên Hệ thống Giáo dục Hocmai.vn nhận định, đề thi là tổng hợp kiến thức các chuyên đề giúp học sinh kiểm tra được năng lực bản thân; tăng khả năng xử lý, kinh nghiệm khi thi. Do vậy, trong khoảng thời gian này, thay vì học thêm nhiều kiến thức mới, học sinh nên tập trung vào luyện đề. Trong quá trình luyện đề, nếu gặp những kiến thức, dạng bài quá khó, các em nên đánh dấu lại để nghiên cứu sau, đừng sa đà vào những câu hỏi khó dẫn tới không phân bổ thời gian hợp lý đối với các mảng kiến thức khác trong toàn bộ chương trình.

Giáo viên ‘mách nước’ ôn thi hiệu quả: Cần ôn chắc, tránh dàn trải ảnh 3

Thầy Nguyễn Ngọc Anh - Giáo viên luyện thi môn Hóa học.

Với môn Hóa học, giải pháp để giúp học sinh hệ thống lại kiến thức một cách nhanh chóng và đầy đủ nhất đó là vừa luyện đề, vừa bổ sung kiến thức hổng. “Riêng môn Hóa, kiến thức cuối năm lớp 12 thường không quá khó và ít quan trọng. Đa phần đều đã học qua từ các chuyên đề trước, nên học sinh cần hoàn thành sớm để bước nhanh vào giai đoạn luyện đề. Quá trình này giúp các em phát hiện ra những vùng kiến thức bị hổng để kịp thời bổ sung”, thầy Nguyễn Ngọc Anh - Giáo viên Hệ thống Giáo dục Hocmai.vn chia sẻ.

Với môn Sinh học, đề thi sẽ có kiến thức bám sát chương trình sách giáo khoa lớp 12 hiện hành, do vậy, khi ôn tập, học sinh không được xem nhẹ hay bỏ qua bất cứ phần nào.

Tổ hợp Khoa học xã hội: Không học tủ và học thuộc lòng

Tổ hợp Khoa học xã hội bao gồm 3 môn thi là Lịch sử, Địa Lý và Giáo dục công dân. Mỗi môn trong bài thi tổ hợp có 40 câu, thi trong 50 phút.

Tổ hợp Khoa học xã hội bao gồm 3 môn thi là Lịch sử, Địa Lý và Giáo dục công dân. Mỗi môn trong bài thi tổ hợp có 40 câu, thi trong 50 phút.

Theo cô Đoàn Ánh Tuyết - Giáo viên bộ môn Lịch sử trường THPT Tuệ Tĩnh (Hải Dương), đề thi Lịch sử trắc nghiệm trải đều khắp chương trình học và không trọng tâm, trong khi đó, nội dung kiến thức cần phải học thì rất dài và rộng. Vì vậy, để có thể nắm hết các kiến thức, học sinh phải xây dựng một thời khóa biểu ôn tập hợp lý. Nên dành thời gian trước tháng 6 để ôn tập chương trình lịch sử lớp 12 và nửa đầu tháng 6 để ôn tập chương trình lịch sử 11. Khi ôn tập, học sinh nên hệ thống hóa kiến thức dưới dạng sơ đồ tư duy để ghi nhớ kiến thức hiệu quả. Bên cạnh đó, cần rèn luyện các kỹ năng so sánh, tổng hợp, liên hệ trong khi học bài để giải quyết những câu hỏi khó.

Giáo viên ‘mách nước’ ôn thi hiệu quả: Cần ôn chắc, tránh dàn trải ảnh 4

Cách ôn thi môn Địa Lý hiệu quả là học trên Atlat kết hợp bài học sách giáo khoa

Với bài thi môn Địa lý, cô Đặng Thị Nghiệp - Giáo viên bộ môn Địa trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) cho rằng, khi ôn tập học sinh phải nắm bắt toàn bộ chương trình, không thể học tủ hay học thuộc lòng bất kỳ một nội dung nào. Một trong những cách nắm chắc kiến thức nhất đó là sau mỗi bài học, học sinh nên trả lời các câu hỏi nhỏ cuối bài; lập sơ đồ tư duy cho từng bài, từng chương; học từng phần và học đều, tránh việc học dồn vừa mệt vừa dài lại khó hiệu quả. Buổi tối nên ôn lại ngay bài vừa học ban ngày chừng 5 - 10 phút. Ngoài ra, cách ôn thi hiệu quả là học trên Atlat kết hợp bài học sách giáo khoa, chú ý về biểu đồ và các địa danh có trên bản đồ.

Đối với bài thi Giáo dục công dân, ngoài nắm vững kiến thức 10 bài trong sách, học sinh cần phải bổ sung kiến thức thực tế nhiều hơn, suy nghĩ thấu đáo và thận trọng trước khi chọn đáp án cho những tình huống.

TIN LIÊN QUAN
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.
UNESCO kêu gọi thúc đẩy giáo dục hòa nhập. Ảnh: UNESCO/Marie ETCHEGOYEN
Tôn vinh và ủng hộ sự hòa nhập trong giáo dục
(Ngày Nay) - Kỷ niệm 30 năm Tuyên bố Salamanca hồi giữa tháng 3/2024, cộng đồng quốc tế đã cam kết tiếp tục nỗ lực hướng tới môi trường giáo dục hòa nhập và công bằng cho tất cả mọi người.