Giáo viên trường tư sẽ được hưởng chế độ ngang bằng hệ công lập

Giáo viên làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ được bảo đảm ít nhất ngang bằng với quyền lợi của đội ngũ nhà giáo làm việc tại các cơ sở công lập.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đó là nội dung trong Nghị quyết về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025 mà Chính phủ ban hành ngày 4/6..

Sẽ chuyển đổi một số đơn vị sự nghiệp công lập sang ngoài công lập

Theo đó, Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo.

Bên cạnh nhiều mục đích, việc huy động các nguồn lực của xã hội còn nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập hợp tác, liên doanh, liên kết với các cơ sở ngoài công lập; chuyển đổi một số đơn vị sự nghiệp công lập sang ngoài công lập ở những nơi có điều kiện phù hợp.

Qua đó, nhằm đạt được mục tiêu cụ thể như đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỷ lệ 8,75% số cơ sở và 8,9% người học vào năm 2020; và lần lượt là 13,5% và 16% vào năm 2025.

Cụ thể, đối với giáo dục mầm non, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh hoặc có số trẻ em trong độ tuổi đi học mầm non, mẫu giáo tăng nhanh do di dân cơ học, phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở ngoài công lập đạt tỷ lệ ít nhất là 20%, tương ứng với số trẻ em theo học đạt khoảng 25%. Đến năm 2025, số cơ sở ngoài công lập đạt 25% với số trẻ em theo học đạt 30%.

Đối với giáo dục phổ thông, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ cơ sở và số học sinh theo học tại các trường phổ thông ngoài công lập đạt lần lượt là 2,3% và 2,6%. Đến năm 2025, các tỷ lệ này lần lượt là 2,7% và 3%.

Đối với giáo dục đại học, phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở ngoài công lập đạt 28% và số sinh viên theo học đạt 18%. Đến năm 2025, đạt tỷ lệ tương ứng là 30% và 22,5%.

Đối với giáo dục nghề nghiệp, phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập đạt 35% và đến năm 2025 đạt tỷ lệ 40%.

Giáo viên ngoài công lập sẽ được hưởng chế độ ngang bằng hệ công lập

Một trong những giải pháp thực hiện điều này là phải hoàn thiện thể chế.

Trong đó cần xây dựng, ban hành chính sách về quyền lợi của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tuyển dụng, làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập (bao gồm cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập), bảo đảm ít nhất ngang bằng với quyền lợi của đội ngũ nhà giáo làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập.

Rà soát hệ thống các văn bản, chính sách về xã hội hóa đã ban hành, hệ thống hóa các quy định về huy động các nguồn lực xã hội cho giáo dục theo từng lĩnh vực và nhóm vấn đề cụ thể, phát hiện những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn và còn thiếu, đề xuất hướng chỉnh sửa, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ cho phù hợp; kịp thời cập nhật những chủ trương, định hướng mới về xã hội hóa và có liên quan.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý về địa vị pháp lý, quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức đầu tư cho giáo dục và các cơ sở giáo dục ngoài công lập; về sử dụng các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước.

Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý, cấp phát ngân sách nhà nước theo hướng Nhà nước bảo đảm đầu tư cho các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông); chuyển từ hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách, chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng.

Cải thiện môi trường đầu tư

Nghị quyết yêu cầu rà soát các điều kiện đầu tư, các chính sách thuế, chính sách đất đai trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết, đơn giản hóa quy trình thủ tục cho nhà đầu tư; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm bảo đảm thông tin thông suốt, minh bạch; giải quyết kịp thời những thắc mắc của nhà đầu tư trong quá trình thành lập, hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Bảo đảm đối xử bình đẳng và tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch; không phân biệt cơ sở giáo dục công lập và cơ sở giáo dục ngoài công lập, người học đều được tiếp cận cơ hội giáo dục và hưởng lợi từ các chính sách phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước.

Các cơ sở giáo dục ngoài công lập được tiếp cận, thụ hưởng vốn viện trợ ODA theo quy định của pháp luật liên quan. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng được tiếp cận, thụ hưởng nguồn vốn tín dụng trong nước ưu đãi (nếu có).

Ngoài ra, phải tạo điều kiện thuận lợi về thị thực, giấy phép lao động để khuyến khích các nhà trí thức, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và nước ngoài đóng góp công sức, trí tuệ và tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Đến nay, ở các địa phương đều có loại hình giáo dục đào tạo ngoài công lập với 2.955 cơ sở (chiếm 6,68% trong tổng số 44.228 cơ sở giáo dục đào tạo của cả nước); 1,35 triệu học sinh, sinh viên (chiếm 6% trong tổng số 22,5 triệu học sinh, sinh viên cả nước); tạo ra gần 100 nghìn việc làm cho nhà giáo, người lao động.

Đối với giáo dục đại học, hiện có 65 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập với tổng số 244 nghìn sinh viên (chiếm 13,8% tổng số sinh viên cả nước); đã có 5 cơ sở giáo dục đại học nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, đào tạo trên 5 nghìn sinh viên mỗi năm. Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam thực hiện trên 500 chương trình hợp tác và liên kết đào tạo với hơn 200 cơ sở giáo dục đại học nước ngoài.

Đối với giáo dục nghề nghiệp, đến hết năm 2018, cả nước có 1.948 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gồm: 397 trường cao đẳng, 519 trường trung cấp, 1.032 trung tâm giáo dục nghề nghiệp), trong đó có 677 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 34,7%)

Sự phát triển của các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập từ nguồn lực của xã hội đã góp phần thúc đẩy việc áp dụng những cách tiếp cận giáo dục tiên tiến của thế giới, nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Theo Vietnamnet
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).