Không gian văn hoá hát nhà tơ - hát, múa cửa đình ở Quảng Ninh trải rộng ở các vùng ven biển như Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái; tuy vậy thời gian mai một đã khiến hiện nay không phải nơi nào cũng còn nhiều nghệ nhân lưu giữ, có thể trình diễn di sản này. Vì vậy mà thật đáng quý khi liên hoan đã thu hút tới 104 diễn viên thuộc 4 CLB văn nghệ dân gian ở tất cả các địa phương có di sản tham gia.
17 tiết mục tham gia là không nhiều, cũng chỉ xoay quanh 2 thể loại là hát và múa nhưng các CLB đã làm phong phú nội dung trình diễn bằng hát đơn, hát đôi, tốp ca, đồng ca bằng các giọng khác nhau, múa cũng đa dạng với múa dâng hương, dâng hoa, dâng đèn và múa bông… Sự nhiệt tình của nghệ nhân cũng rất đáng quý khi người xem biết rằng, trừ số ít nghệ nhân quá già, yếu thì nhiều nghệ nhân cao tuổi đã tham gia hết mình, như cụ Đặng Thị Tự đã hát tới 3 lần, rồi cụ Trương Thị Phượng, cụ Hoàng Thị Thảo, Nguyễn Thị Từ. Không những thế, họ cũng là “linh hồn” của những phần trình diễn được đánh giá cao nhất tại Liên hoan…
Nghệ nhân Lê Thị Lộc, ở thôn Nam, xã Vạn Ninh, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh là cái tên quen thuộc được nhiều người dân trong vùng biết đến, bởi bà là người đã dành cả cuộc đời gắn bó với nghệ thuật hát nhà tơ, hát múa cửa đình – nét văn hóa đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân nơi đây.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Quảng Yên, năm 18 tuổi, bà Lộc lấy chồng, theo chồng ra mảnh đất Vạn Ninh sinh sống. Từ lúc về làm vợ, bà được mẹ chồng cho đi xem những canh hát nhà tơ, hát múa cửa đình ở những đình, chùa tại địa phương. Lâu dần, tình yêu và sự đam mê nghệ thuật đã ngấm vào máu của bà. Bà coi hát nhà tơ, hát múa cửa đình như một cơ duyên may mắn đến với mình.
Nói về ý nghĩa của lối hát nhà tơ, hát múa cửa đình, nghệ nhân Hoàng Thị Thảo (80 tuổi) - mẹ chồng của bà Lộc cho biết: “Hát nhà tơ, hát múa cửa đình bắt nguồn từ ca trù Việt Nam. Cũng với những ca nương, trống trầu, phách và đàn đáy, nhưng ở hai loại hình này có nhiều khác biệt, mang lại những đặc trưng nghệ thuật riêng. Nếu như ca trù, người cầm trầu là người chỉ huy buổi hát thì ở hát nhà tơ, hát múa cửa đình, người hát lại là chủ công, trống trầu chỉ phụ đệm theo người hát. Một sự khác biệt rõ nét nữa đó là hát nhà tơ, hát múa cửa đình có múa dâng hương, dâng hoa, dâng nến lên các vị thần và không gian múa chỉ diễn ra tại các đình làng trong ngày hội đầu Xuân. Mỗi kép hát thường có 5 người, trong đó có một kép đánh đàn đáy, một quan viên đánh trống chầu và 3 đào nương thay nhau hát”.
Năm 2015, bà Lộc được tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian vì đã có thành tích xuất sắc trong bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát nhà tơ, hát múa cửa đình. Cũng trong năm đó, nghệ thuật này lọt vào tốp 26 Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cần được bảo tồn và phát huy. Tin tưởng rằng, với những đóng góp quan trọng, tâm huyết của nghệ nhân Lê Thị Lộc và các hội viên câu lạc bộ hát nhà tơ, hát múa cửa đình ở xã Vạn Ninh, loại hình nghệ thuật này sẽ ngày một được bảo tồn và phát huy trong thời gian tới.
Đây là hoạt động cuối cùng của dự án Nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát nhà tơ - hát, múa cửa đình ở Quảng Ninh do Hội VNDG tỉnh làm chủ đầu tư. Và khó khăn về kinh phí mà các cán bộ dự án phải đối mặt không phải chỉ là khi tổ chức liên hoan. Tuy vậy, nhiệt tình và trách nhiệm, các cán bộ Hội đã phối hợp với Sở VH-TT&DL từng bước thực hiện trong suốt 2 năm qua.
Để nhân rộng số người có thể trình diễn loại hình di sản này, dự án đã mở những lớp bồi dưỡng về hát nhà tơ - hát, múa cửa đình, dạy chơi các loại nhạc cụ gắn liền với di sản (đàn đáy, trống, phách) tại Hạ Long và các vùng có di sản cho hơn 100 người và sang cả Trung Quốc để giao lưu, trao đổi với những nghệ nhân gốc Việt. Dự án cũng hướng dẫn các địa phương xây dựng các CLB hát nhà tơ - hát, múa cửa đình, trang bị đàn đáy, trống chầu, phách và một số trang phục cho các CLB. Hiện nay, cả 4 nơi là Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn, Móng Cái đều đã duy trì được hoạt động của các CLB này.