Hai công ty start-up có giá trị nhất trong khu vực đã dần đạt được các thỏa thuận sơ bộ để tiến hành sáp nhập.
Theo kế hoạch, người đồng sáng lập Grab Anthony Tan sẽ trở thành giám đốc điều hành của công ty mới, trong khi các giám đốc điều hành của Gojek sẽ điều hành doanh nghiệp mới ở Indonesia với thương hiệu Gojek. Mặc dù đã sáp nhập, nhưng hai thương hiệu gọi xe công nghệ này vẫn có thể được điều hành riêng biệt trong một khoảng thời gian dài. Sự kết hợp này cuối cùng nhằm mục đích trở thành một công ty niêm yết công khai.
Thỏa thuận này sẽ cần sự chấp thuận của các cơ quan quản lý và các chính phủ Đông Nam Á có thể có lo ngại liên doanh mới ra đời có thể dẫn đến tình trạng độc quyền trong khu vực.
Suốt nhiều năm qua, Grab và Gojek đang bị mắc kẹt trong một cuộc chiến khốc liệt và tốn kém để giành vị trí thống trị trong lĩnh vực gọi xe, cùng với ngành giao đồ ăn và thanh toán di động. Các nhà đầu tư đang thúc đẩy hai bên kết hợp lại với nhau để giảm thiểu các chi phí và tạo ra một trong những "gã khổng lồ" công nghệ mạnh nhất tại Đông Nam Á.
Grab hiện có mặt tại 8 quốc gia và được định giá hơn 14 tỷ USD, trong khi Gojek có trị giá 10 tỷ USD, hiện có mặt tại Indonesia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Sự nổi lên của công ty Sea, start-up thành công nhất Đông Nam Á trong lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán kỹ thuật số càng thúc đẩy thương vụ sáp nhập Grab-Gojek. Việc nền tảng thương mại điện tử Shopee của Sea ngày càng phát triển đã tạo ra nhiều thách thức cho các nền tảng thương mại số khác tại Indonesia như GoPay của Gojek và Ovo do Grab hậu thuẫn.
Rohit Sipahimalani, Giám đốc chiến lược đầu tư tại công ty đầu tư Temasek Holdings, cho biết hành trình đầy bất ngờ của Sea từ một công ty khởi nghiệp nhỏ nhoi trở thành công ty có giá trị nhất Đông Nam Á trong 10 năm qua đã trở thành “nguồn cảm hứng lớn nhất” cho các công ty công nghệ trong khu vực. Sea ra mắt công chúng vào năm 2017 sau khi huy động được hơn 720 triệu USD từ các nhà đầu tư và hiện có giá trị thị trường đạt 88 tỷ USD.