Hà Nội chậm công bố môn thi thứ 4: Học sinh THCS căng thẳng học trực tuyến 9 môn

Một số địa phương đã đề xuất giảm môn thi vào lớp 10 trong khi Hà Nội vẫn giữ quan điểm sẽ thực hiện 4 bài thi nhưng chưa công bố môn thi thứ 4 khiến phụ huynh, học sinh sốt ruột, căng thẳng.
Học sinh lớp 9 đang nóng lòng chờ Sở GD&ĐT Hà Nội công bố môn thi thứ 4 hoặc giảm bớt môn thi
Học sinh lớp 9 đang nóng lòng chờ Sở GD&ĐT Hà Nội công bố môn thi thứ 4 hoặc giảm bớt môn thi

Tại cuộc họp trực tuyến với các cơ sở giáo dục mới đây, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, thành phố vẫn giữ nguyên phương thức tổ chức thi tuyển vào lớp 10. Theo đó, Hà Nội sẽ tổ chức 1 kỳ thi chung để tuyển sinh, thí sinh sẽ làm 4 bài thi, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ 4 được lựa chọn ngẫu nhiên trong số các môn còn lại (Vật lý, Hoá học, Sinh học, Giáo dục công dân, Địa lý, Lịch sử). Môn thi thứ 4 sẽ được thông báo trước kỳ thi khoảng 2 tháng.

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay bao gồm các câu hỏi thuộc chương trình THCS, chủ yếu trong chương trình lớp 9. Trong đó, đề thi môn Toán, Ngữ văn đảm bảo 4 cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao; hai bài thi còn lại đề thi chỉ dừng lại ở ba cấp độ là nhận biết, thông hiểu và vận dụng cấp độ thấp.

Đẩy thế khó cho học sinh

Chị Nguyễn Thu Hương (có con đang học Trường THCS Khương Đình, quận Đống Đa, Hà Nội) nói rằng, ngoài 2 môn Toán, Ngữ văn, từ trước Tết, con chị đã phải học thêm các môn còn lại. Tuy nhiên, từ lúc nghỉ học để phòng chống dịch, giáo viên không dạy thêm, hai mẹ con rất lo lắng, căng thẳng. Chị hy vọng, Sở giảm môn thi thứ 4 để học sinh đỡ áp lực, chỉ tập trung học 3 môn.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie (Hà Nội), nói rằng, nhiều học sinh tỏ ra căng thẳng khi không được đến trường học tập trung, phải học online cùng lúc 9 môn, nên ông đã đề xuất giảm môn thi thứ 4, nhưng đến thời điểm này ông chưa nhận được phản hồi của thành phố. “Học sinh đã nghỉ học 3 tháng, dù có học online, truyền hình thì hiệu quả cũng không được như học trên lớp nên chất lượng cũng thay đổi. Chưa kể, tình hình chống dịch như hiện nay chưa biết kéo dài đến bao giờ, nếu vẫn giữ quan điểm thi 4 môn là đẩy thế khó cho học sinh”, ông nói.

Bà Lê Thị Thuý Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng (Hà Nội), cho biết, trường đã tổ chức họp phụ huynh trực tuyến và nhiều người đề xuất giảm môn thi; trường gửi đề xuất này lên Phòng GD&ĐT để Phòng có ý kiến lên Sở. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Sở vẫn giữ phương án thi 4 môn nên nhà trường phải tổ chức học trực tuyến tất cả các môn học. Sáng các em đã phải học trên truyền hình nên buổi chiều trường chỉ dám bố trí học 3 tiết/buổi các môn thi, nhưng thực tế đang gặp nhiều khó khăn.

“Có học sinh vào muộn tắt webcam bảo lỗi mạng; phần mềm lúc vào được, lúc thoát ra, một số học sinh chưa học vì lý do về quê, nhà không có máy tính… Nhà trường đã phải gửi thông báo nhờ phường, xã trao đổi với gia đình, có phương án hỗ trợ. Chưa kể, học liền 3 tiết trên máy tính, các em căng thẳng, giáo viên dạy cũng kêu mệt, chất lượng phụ thuộc phần lớn vào thái độ, tinh thần học tập của học sinh có chủ động, nghiêm túc hay không. Thực sự, học sinh lớp 9 năm nay vất vả, căng thẳng hơn rất nhiều”, bà Nga nói.

Cân nhắc giảm môn thi

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, cho biết, UBND tỉnh chưa có quyết định về đề xuất mới giảm môn thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay. Sở dự kiến khoảng tháng 5 sẽ điều chỉnh khung thời gian năm học và thông báo quyết định vì phải căn cứ tình hình dịch bệnh.

Trước đó, lãnh đạo Sở đã thông báo chủ trương cho học sinh lớp 9 được biết. Theo đó, Nghệ An đã phê duyệt phương án tuyển sinh lớp 10 năm nay bằng việc tổ chức 3 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, bài thi tổ hợp (Tiếng Anh và 1 môn tự chọn trong số các môn còn lại).

Tuy nhiên, trong bối cảnh học sinh nghỉ học kéo dài, dù có dạy học trực tuyến, truyền hình khá bài bản nhưng Sở quyết định giảm môn thi xuống còn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. “Có nhiều ý kiến cho rằng, chỉ nên thi 2 môn Toán, Ngữ văn để tuyển sinh, nhưng Nghệ An bắt buộc phải thi Tiếng Anh vì trong giai đoạn hội nhập, yêu cầu phải nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, việc thi nhiều môn chỉ nhằm giúp học sinh không học tủ, học lệch. Vì vậy, thời điểm này thông báo giảm môn thi không ảnh hưởng tới chất lượng học tập mà giảm áp lực cho học sinh.

Tương tự, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã có đề xuất gửi UBND thành phố về việc giảm số lượng môn thi. Trước thời điểm dịch bệnh, Hải Phòng phê duyệt phương án tuyển sinh lớp 10 năm nay bằng 3 bài thi Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Sau khi dịch bệnh bùng phát, Sở đề xuất giảm môn thi Tiếng Anh. Năm học tới sẽ quay lại phương án cũ.

Năm nay, Hà Nội dự kiến có 107.266 học sinh xét tốt nghiệp THCS, tăng gần 7.000 em so với năm ngoái. Thành phố cũng phê duyệt chỉ tiêu sẽ chỉ có 62% học sinh đỗ vào trường công lập, còn lại sẽ học các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên; học nghề…

Theo Tiền Phong
TIN LIÊN QUAN
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.