Lúc 7h ngày 17/11, ứng dụng Airvisual thể hiện chỉ số AQI trung bình tại Hà Nội là 120 đơn vị, ngưỡng có hại cho sức khỏe con người. Trong khi đó, kết quả quan trắc của PamAir cho thấy tất cả khu vực nội thành đang có chất lượng không khí báo động. Chỉ số AQI dao động 170-250 đơn vị, ngưỡng rất xấu.
Khu vực có mật độ chất ô nhiễm cao là các quận Cầu Giấy và Hai Bà Trưng, chỉ số AQI trên 250 đơn vị. Điểm quan trắc tại Vân Côn (Hoài Đức) được cảnh báo mức độ ô nhiễm ở ngưỡng nguy hại với hơn 363 đơn vị.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội tái diễn nhiều năm nay và thường gia tăng tần suất, mức độ ô nhiễm vào thời kỳ thu đông. Thông thường, “mùa ô nhiễm” của Hà Nội bắt đầu từ khoảng tháng 9 nhưng đến năm nay bắt đầu muộn hơn. Nguyên nhân là những tháng trước đó, việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 khiến hoạt động giao thông và xây dựng giảm đáng kể.
“Nguyên nhân chính vẫn đến từ các hoạt động phát thải của con người. Nếu không có giải pháp lâu dài để giảm thiểu các chất phát thải ra ngoài môi trường thì chỉ còn cách 'nhờ trời' giúp giảm ô nhiễm”, ông Tùng nói.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, ô nhiễm bụi ở Việt Nam chịu tác động rõ rệt của yếu tố khí hậu, tạo nên quy luật diễn biến theo mùa. Ở miền Bắc ô nhiễm tập trung vào mùa đông, ít mưa, thời gian từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau; miền Nam ô nhiễm giảm vào mùa mưa.
Diễn biến nồng độ bụi không khí từng ngày cũng có quy luật, thể hiện rõ nhất tại các điểm đo gần trục giao thông, nồng độ tăng cao vào giờ cao điểm, giảm thấp về trưa và đêm.