UBND Thành phố Hà Nội cũng vừa ban hành Quyết định để sửa đổi một số điểm về phương án giá vé vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cụ thể như sau:
Giá vé tháng bán cho đối tượng ưu tiên bao gồm: học sinh phổ thông, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề (không kể hệ đào tạo vừa học vừa làm), công nhân các khu công nghiệp áp dụng từ ngày Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của HĐND Thành phố có hiệu lực. Giá vé tháng đi 1 tuyến 55.000 đồng/vé/tháng. Giá vé tháng đi liên tuyến 100.000 đồng/vé/tháng.
Giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các ngành hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc phát hành thẻ đi xe buýt miễn phí cho người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo. Quyết định có hiệu lực từ ngày 28/10/2019.
Thời gian qua, để thực hiện lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân và thu phí xe cơ giới, ngoài áp dụng nhiều biện pháp đầu tư đổi mới cơ sở hạ tầng, đường giao thông, thành phố Hà Nội đầu tư cho mạng lưới xe buýt ngày càng phát triển theo hướng chất lượng, hiện đại.
Đến nay, đã có 124 tuyến buýt; trong đó, có 100 tuyến trợ giá, 10 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận, 2 tuyến City Tour. Mạng lưới xe buýt đã phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã và phục vụ đến: 453/584 số xã, phường, thị trấn (đạt 78%); 66/71 bệnh viện (đạt 93%); 296/708 các trường THCS, THPT đạt (42%); 32/37 các khu công nghiệp (đạt 86%); 82/85 các khu đô thị mới (đạt 96%).
Vận tải hành khách công cộng tiếp tục có sự tăng trưởng, tổng sản lượng vận chuyển hành khách công cộng trên toàn thành phố năm 2019 ước đạt 948,5 triệu lượt hành khách, trong đó xe buýt đạt 510,5 triệu lượt hành khách, đáp ứng khoảng 17,03% nhu cầu đi lại của người dân, tăng 3,2% so với năm 2017. Với sự phát triển đó đã góp phần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội không chỉ tập trung nâng cao về số lượng phương tiện, mà ngày càng cải thiện môi trường văn hóa, chất lượng phục vụ trên xe buýt để nhiều người dân được tham gia. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng hệ thống nhà chờ xe buýt trong nội đô và liên tuyến, liên vùng giúp người dân đi lại thuận tiện ở những địa hình khó khăn và lúc thời tiết khắc nghiệt.