Hà Nội: Di tích sẵn sàng bị ‘xẻ thịt’ để nhường chỗ cho dự án

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Thời gian qua, dư luận Thủ đô xôn xao và tiếc nuối trước việc một số di tích, di sản bị xâm hại, bị làm mới hoặc thậm chí là bị xoá sổ hoàn toàn. Di tích vốn là những “chứng nhân” lịch sử, là nơi lưu trữ và giữ gìn lịch sử một cách chân thực nhất. Phần lịch sử hào hùng, oanh liệt ấy của dân tộc Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng dường như đang âm thầm bị bào mòn nghiêm trọng bởi việc các di tích quý báu bị huỷ hoại…
Một trong hai chiếc lô cốt (chòi canh gác) nằm ở giáp mặt phố Nguyễn Thái Học - phần còn lại của Khu Trại giam Nhà Tiền - Di tích cách mạng kháng chiến đã được xếp hạng. (Ảnh chụp thời điểm tháng 5/2022).
Một trong hai chiếc lô cốt (chòi canh gác) nằm ở giáp mặt phố Nguyễn Thái Học - phần còn lại của Khu Trại giam Nhà Tiền - Di tích cách mạng kháng chiến đã được xếp hạng. (Ảnh chụp thời điểm tháng 5/2022).

Di tích ngậm ngùi nhường chỗ cho dự án

Nhiều năm trước, giới khảo cổ ở Hà Nội bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước việc xây dựng tuyến đường Xã Đàn kéo dài, vì nơi đây là một trong những địa điểm có nhiều trầm tích khảo cổ quan trọng của lịch sử Thủ đô. Nhiều chuyên gia lên tiếng, nhiều cuộc họp bàn được tổ chức và cuối cùng tuyến đường Xã Đàn đã được nắn chỉnh, dành ra một diện tích nhỏ để bảo tồn. Việc bảo tồn di chỉ này tiếp tục được đề cập khi Hà Nội có kế hoạch xây dựng cầu vượt qua nút giao thông Ô Chợ Dừa để tránh ùn tắc giao thông.

Gần đây, giới khảo cổ tiếp tục xôn xao với việc tuyến đường vành đai 3,5 của Hà Nội chạy qua khu vực nơi có Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (huyện Hoài Đức); và khu đô thị mới xây dựng nằm ngay bên cạnh gây tác động mạnh đến di chỉ. Về vấn đề này, các cơ quan chức năng đã tổ chức rất nhiều cuộc họp bàn tìm ra hướng giải quyết đúng đắn.

Nhiều nhà khoa học, nhà lịch sử học, các cơ quan báo chí truyền thông đồng loạt liên tiếng; Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội cũng đã có đề xuất trình UBND TP. Hà Nội về phương án giải quyết. Chính quyền Thủ đô sau đó đã ban hành quyết định về việc cho phép thực hiện nghiên cứu bảo tồn diện tích khu vực phía Đông khu di chỉ; đồng thời thực hiện phương án khai quật di dời các di tích, di vật ở khu vực phía Tây trước khi GPMB phục vụ công tác xây dựng tuyến đường vành đai 3,5. Cục Di sản (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) sau đó cũng đã chấp thuận phương án này.

Hà Nội: Di tích sẵn sàng bị ‘xẻ thịt’ để nhường chỗ cho dự án ảnh 1
Khai quật khảo cổ tại khu vực gò Dền Rắn thuộc Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (huyện Hoài Đức, Hà Nội)

Trong thời gian qua, việc xây dựng, phát triển hạ tầng ở Hà Nội đang thực sự “vướng” vào một số vấn đề liên quan đến việc gìn giữ, bảo tồn các di tích, di sản. Câu chuyện phát triển song hành với gìn giữ di tích cho đến nay vẫn là một bài toán đang còn bỏ ngỏ.

Tháng 3/2022, việc tu bổ Đình Chèm – Di tích quốc gia đặc biệt nằm sát bên bờ sông Hồng (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm) gây bức xúc lớn khi phần bậc thềm, nền đá lâu năm, cổ kính bị "đập đi xây lại" hoàn toàn; một cây đa cao lớn trong khuôn viên Đình cũng bị chặt hạ “không thương tiếc”.

Đình Chèm là một trong những ngôi đình được coi là cổ nhất, nhì Việt Nam với niên đại khoảng 2.000 năm. Đình được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, tiền nhị hậu công với đa dạng các hạng mục công trình, tạo nên một quy mô bề thế. Đình là nơi thờ đức Hy Khang Thiên Vương Lý Ông Trọng - nhà ngoại giao đầu tiên của dân tộc và là người có công dẹp giặc ngoại xâm cứu nước.

Năm 1902, Đình Chèm được "kiệu" lên cao thêm 2,4 mét chỉ bằng các dụng cụ của nhà nông như: đinh bừa, quang gánh... Toàn bộ quá trình “kiệu” ngôi đình bằng gỗ quý với những cột kèo phức tạp nặng hàng trăm tấn lên cao ngang với mặt đê sông Hồng diễn ra trong vòng 1 năm mới hoàn thành. Trải qua hàng ngàn năm, Đình Chèm cũng đã từng nhiều lần được trùng tu, tôn tạo.

Trong Đình Chèm hiện còn lưu giữ được nhiều hình chạm khắc gỗ phong cách thế kỷ 18; có hai pho tượng vợ chồng Lý Thân bằng gỗ sơn son thếp vàng tạc năm 1888. Với những giá trị tổng hợp về kiến trúc, văn hoá và lễ hội; ngày 17/6/2016 Lễ hội Đình Chèm được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; và đến ngày 25/6/2018, Đình Chèm chính thức được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Ngoài nét cổ kính, Đình Chèm còn đặc biệt được yêu thích bởi nằm trong vùng văn hóa cổ của Hà Nội, đã đi vào thơ, họa…

Hà Nội: Di tích sẵn sàng bị ‘xẻ thịt’ để nhường chỗ cho dự án ảnh 2

Việc tu bổ Đình Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm) gây bức xúc lớn khi một cây đa cao lớn bịchặt hạ và phần bậc thềm, nền đá lâu năm cổ kính trong Đình bị tháo dỡ, thay mới.

Được biết, việc tu bổ Đình Chèm đã được thực hiện trong suốt nhiều tháng trước đó, các hạng mục chỉnh trang tu bổ bao gồm: hệ thống tường rào, cây xanh bao quanh sân Đình, hạ cốt sân trước và sân sau Đình, chỉnh sửa lại ngói Đình… Tổng kinh phí tu bổ khoảng 10 tỷ đồng do quận Bắc Từ Liêm làm chủ đầu tư kết hợp với nguồn xã hội hóa.

Chứng kiến quá trình tu bổ Đình Chèm, nhiều ý kiến cho rằng: việc trùng tu, tôn tạo di tích là đúng đắn và rất cần thiết, tuy nhiên việc này cần được thực hiện một cách thận trọng, tuyệt đối không nên “bỏ cũ thay mới”. Việc tu bổ có phần “mạnh tay” bằng cách chặt bỏ cây đa lớn hay tháo dỡ và thay mới nền đá, cùng các bậc thềm trong Đình Chèm có thể sẽ làm biến dạng di tích, thậm chí huỷ hoại hoàn toàn những giá trị văn hoá cốt lõi của di tích.

Di tích còn hay mất còn tuỳ thuộc vào… chủ đầu tư

Các nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử cho rằng, việc quy hoạch các công trình phục vụ đời sống kinh tế - xã hội đã nảy sinh những khả năng và nguy cơ ảnh hưởng xấu đến di sản, khi mà khu vực xây dựng chồng lấn vào các di tích đã có từ nhiều năm trước. Bên cạnh đó, nếu các nhà quy hoạch không tính đến vấn đề này, thì trong quá trình xây dựng tất yếu sẽ nảy sinh hàng loạt mâu thuẫn.

Theo các nhà quản lý, các chuyên gia văn hóa, việc quy hoạch và xây dựng các công trình nằm trong khu vực có di tích cần phải tuân theo Luật Di sản văn hóa. Khi triển khai các công trình, nếu gặp khu vực khảo cổ học thì các chủ đầu tư buộc phải dừng lại để phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành khai quật; dựa trên kết quả thu được sẽ đề xuất biện pháp bảo tồn và cách thức triển khai tiếp công trình. Vấn đề được đặt ra ở đây là, các chủ đầu tư có ý thức tôn trọng di sản, giữ lại những giá trị quý cho thế hệ sau hay không thì chưa ai dám khẳng định chắc chắn…

Hà Nội: Di tích sẵn sàng bị ‘xẻ thịt’ để nhường chỗ cho dự án ảnh 3
Tòa nhà 61 Trần Phú là công trình mang kiến trúc hiện đại giai đoạn đầu thế kỷ 20 hiếm hoi, còn lại nguyên vẹn ở Hà Nội; tại công trình có bức phù điêu đắp nổi, là minh chứng lịch sử chính tại địa điểm này, bộ đội, dân quân tự vệ thủ đô đã bắn rơi máy bay Mỹ vào ngày 19/5/1967.

Tháng 4/2022, thông tin về việc cụm nhà xưởng nằm trên khu đất số 61 Trần Phú (quận Ba Đình, Hà Nội) bắt đầu được phá dỡ để chuẩn bị xây dựng dự án cao ốc 11 tầng khiến dư luận vô cùng bàng hoàng, tiếc nuối. Bởi lẽ, dãy nhà cũ nằm trên khu đất 4 mặt tiền, rộng hơn 9.000m2 này trước đây vốn là một nhà máy cũ được người Pháp xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20; với những mái vì kèo bê tông đặc trưng, dấu ấn kiến trúc nhà xưởng còn nguyên vẹn. Đây là trụ sở chính và cũng là nhà máy sản xuất của Công ty CP Thiết bị Bưu điện (POSTEF).

Công trình nhà máy cũ có tuổi đời trăm năm này từ lâu nay đã trở nên rất thân thuộc với người dân Thủ đô, bởi kiến trúc kiểu Pháp thấp tầng thanh lịch bám theo mặt đường. Đặc biệt hơn, trên bức tường của dãy nhà phía mặt đường giao cắt giữa hai con phố Nguyễn Thái Học - Lê Trực của công trình trước đây đã được xây dựng một bức phù điêu đắp nổi hình ảnh dân quân tự vệ bảo vệ Hà Nội trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đây là minh chứng lịch sử sống động về sự kiện tại địa điểm này vào đúng ngày 19/5/1967, bộ đội dân quân tự vệ Thủ đô đã anh dũng bắn rơi máy bay Mỹ.

Việc một công trình cổ được các chuyên gia đánh giá là cấu trúc công nghiệp mang đậm dấu ấn kiến trúc hiện đại giai đoạn đầu thế kỷ 20 hiếm hoi còn nguyên vẹn ở Hà Nội; một công trình đã từng gắn liền với quân và dân Thủ đô trong suốt những năm tháng kháng chiến hào hùng và oanh liệt, giờ đây có nguy cơ bị phá bỏ hoàn toàn để nhường chỗ cho một một tòa nhà cao ốc khiến nhiều người cảm thấy vô cùng xót xa, tiếc nuối.

Cách đó không xa, một di tích khác cũng đang trong tình cảnh “đau khổ” khi gần như đã bị “huỷ hoại” hoàn toàn để nhường “đất vàng” xây dựng dự án tổ hợp khách sạn, căn hộ cao cấp, đó là di tích Trại giam Nhà Tiền. Dù nằm giữa lòng Thủ đô, thế nhưng di tích này đã bị lãng quên từ lâu, thậm chí phần lớn người dân không hề biết đến sự tồn tại của di tích quý báu này.

Hà Nội: Di tích sẵn sàng bị ‘xẻ thịt’ để nhường chỗ cho dự án ảnh 4

Một trong hai chiếc lô cốt (chòi canh gác) nằm ở giáp mặt phố Nguyễn Thái Học - phần còn lại của Khu Trại giam Nhà Tiền - Di tích cách mạng kháng chiến đã được xếp hạng. (Ảnh chụp thời điểm tháng 5/2022).

Di tích Trại giam Nhà Tiền từng nằm trong khuôn viên của Công ty TNHH MTV In Tiến Bộ; nay là khu đất số 175 phố Nguyễn Thái Học (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội). Trước đây, nơi này vốn là xưởng đúc tiền nên có tên gọi là “Nhà Tiền”. Thời kỳ Hà Nội bị tạm chiếm, giặc Pháp đã dùng nơi này làm nhà tù để giam giữ, tù đầy, tra tấn, tàn sát dã man các cán bộ, chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước trong suốt 8 năm kháng chiến (1947-1954) với tên gọi “Trại giam số 13” (Căng xết).

Ngay từ những ngày đầu thiết lập trại giam, thực dân Pháp đã đưa về đây khá đủ các phần tử chống đối như: bộ đội chủ lực, những đồng chí hoạt động trong Uỷ ban kháng chiến của các tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Hà Đông, Sơn Tây, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Trung đoàn 46 Liên khu III; các đại đoàn 320, 316; những trí thức yêu nước, anh em tự vệ…

Thời kỳ những năm 1947 – 1954, Trại giam Nhà Tiền có số tù binh vào loại lớn nhất Đông Dương. Các tù binh bị giam trong khu nhà vòm 8 mái có diện tích 818m2. Sau đó vì số cán bộ, đảng viên, quần chúng kháng chiến bị bắt ngày càng nhiều nên thực dân Pháp phải xây thêm một số nhà cấp 4 ở xung quanh để làm nơi nhốt tù nhân.

Hà Nội: Di tích sẵn sàng bị ‘xẻ thịt’ để nhường chỗ cho dự án ảnh 5

Ngoài 2 lô cốt nằm ở bên ngoài, bên trong khuôn viên Di tích Trại giam Nhà tiền giờ chỉ còn lại 1 gốc cây đa kèm theo bia tưởng niệm, toàn bộ phần còn lại đã bị san phẳng để dành đất thực hiện dự án. (Ảnh chụp thời điểm tháng 5/2022).

Với điều kiện tù đầy gian khổ, mặc dù bị tra tấn dã man nhưng các chiến sĩ cách mạng vẫn kiên trung giữ tấm lòng son sắt đối với Đảng và Bác Hồ. Họ biến nhà tù thành trường học cách mạng để rèn luyện ý chí, tìm mọi cách vượt ngục để trở về hàng ngũ tiếp tục chiến đấu. Từ một chi bộ Đảng ban đầu có 10 đảng viên, qua các phong trào đấu tranh đã phát triển lên 300 – 400 đảng viên; từ một chi bộ phát triển thành 10 chi bộ.

Năm 1956, trong quá trình khởi công xây dựng Nhà máy in Tiến Bộ, công nhân nhà máy đã tìm và khai quật được 280 bộ hài cốt của tù nhân bị giặc Pháp giết hại và vùi xác ngay xuống nền Trại giam Nhà Tiền, đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Mai Dịch.

Sau khi được đưa vào sử dụng làm nơi sản xuất của Nhà máy In Tiến Bộ, sau đó là Công ty In Tiến Bộ, nơi đây đã in ra số báo Nhân dân đầu tiên vào ngày 9 và ngày 10/10/1954, được phát hành trên toàn quốc.

Trong đội ngũ những người công nhân ưu tú của Nhà in Tiến Bộ, có nhiều đồng chí đã từng là cựu tù nhân của Trại giam Nhà Tiền. Hàng năm Ban liên lạc tù chính trị Nhà Tiền lấy ngày 20/3 làm ngày “Hội truyền thống” của hơn 400 tù chính trị.

Năm 1993, một khu tưởng niệm mới được xây dựng, có Đài tưởng niệm liệt sỹ để ghi công các chiến sỹ, tù nhân đã bị địch tra tấn, giết hại tại Trại giam Nhà Tiền. Ngày 20/30/2002, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1809/QĐ-UB, xếp hạng Di tích Trại giam Nhà Tiền là “Di tích cách mạng kháng chiến”; bao gồm các hạng mục kiến trúc: Khu nhà vòm 8 mái; hai lô cốt cũ và khu Đài tưởng niệm mới với tổng diện tích là 1460,5m2.

Hà Nội: Di tích sẵn sàng bị ‘xẻ thịt’ để nhường chỗ cho dự án ảnh 6

Ít ai biết rằng, tại khu “đất vàng” nơi đang xây dựng dự án Tiến Bộ Plaza (175 phố Nguyễn Thái Học) có tồn tại một di tích lịch sử quý báu, ghi dấu những năm tháng kháng chiến hào hùng của dân tộc mang tên Trại giam Nhà Tiền.

Quá trình tìm hiểu được biết, khu đất 175 phố Nguyễn Thái Học hiện nay đang trong quá trình xây dựng dự án Tiến Bộ Plaza. Dự án được giới thiệu là tổ hợp công trình hỗn hợp khách sạn 5 sao, khách sạn căn hộ, văn phòng (ngoại trừ diện tích 1.000 m2 văn phòng của In Tiến bộ) và trung tâm thương mại, cây xanh, dịch vụ công cộng.

Ghi nhận thực tế tại khu vực dự án vào thời điểm tháng 5/2022 cho thấy, di tích Trại giam Nhà Tiền hiện chỉ còn 2 lô cốt (chòi canh gác) nằm ở vị trí giáp mặt phố Nguyễn Thái Học; khu vực bên trong chỉ còn duy nhất 1 gốc cây đa kèm theo bia tưởng niệm; toàn bộ phần còn lại đã được san phẳng để chuẩn bị mặt bằng cho việc thực hiện dự án.

(Còn tiếp)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.