So với tuần trước, số ca mắc ghi nhận thêm tăng 4,1%, trong đó có 2 ca tử vong tại quận Đống Đa và huyện Thanh Trì. Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó, một số quận, huyện có số mắc cao như: Hà Đông (207 ca), Đống Đa (133 ca), Thanh Trì (115 ca), Thanh Oai (92 ca), Chương Mỹ (85 ca).
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 14.872 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 18 ca tử vong. Số mắc tăng gấp 4,5 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 561/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp virus Dengue lưu hành đã xác định được là DENV1 và DENV2, DENV4.
Ngoài ra, trong tuần qua ghi nhận thêm 72 ổ dịch mới tại 16 quận, huyện: Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Trì, Chương Mỹ, Hoài Đức, Thanh Oai, Đông Anh, Phúc Thọ, Thanh Xuân, Thạch Thất, Thường Tín, Phú Xuyên và Mê Linh.
Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã ghi nhận 1.160 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại, còn 153 ổ dịch đang hoạt động tại 22 quận, huyện, trong đó, một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, như: thôn Bùng (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất) có 271 bệnh nhân, thôn Vĩnh Lộc 1 (xã Phùng Xá) có 68 bệnh nhân, thôn Thanh Thần (xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai) có 32 bệnh nhân, thôn Thao Nội (xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên) có 31 bệnh nhân…
Theo CDC Hà Nội, thời gian tới, công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tiếp tục tập trung vào việc kiểm tra, giám sát tại những nơi đã xuất hiện ổ dịch, những nơi có khu vực ổ dịch cũ phức tạp, hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao. Đồng thời, tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.
Mặt khác, Thành phố cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định phòng, chống dịch, đặc biệt xử lý nghiêm tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Theo nhận định của Bộ Y tế, những tháng gần đây số mắc sốt xuất huyết vẫn tiếp tục gia tăng trên cả nước, đặc biệt tại khu vực miền Bắc và khu vực miền Trung, trong đó các địa phương ghi nhận số mắc liên tục tăng cao trong các tuần gần đây là Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Thuận.
Tính từ đầu năm tới ngày 24/11, cả nước đã ghi nhận 314.271 trường hợp mắc, 115 trường hợp tử vong.
Bộ Y tế đã chỉ ra nguyên nhân của sự gia tăng này, là do dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh và gia tăng sự giao lưu, đi lại của người dân sau dịch COVID-19. Ngoài ra, ý thức của người dân trong chủ động phòng, chống dịch chưa cao, qua kiểm tra giám sát vẫn còn phát hiện nhiều ổ bọ gậy, lăng quăng trong hộ gia đình, khu dân cư.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Để tăng cường công tác phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Bộ Y tế đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm tập trung chỉ đạo giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai ngay chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy.
Ngành y tế triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch. Xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động.