Hà Nội: Hàng loạt dự án 'băm nát' quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ngày 17/5/2022, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr, thanh tra Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, chủ đầu tư dự án, công trình, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, khu đô thị (KĐT) Trung Hòa – Nhân Chính.
Dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower (tên gọi mới là Manhattan Tower)) đã nhiều lần bị điều chỉnh quy hoạch sai quy định.
Dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower (tên gọi mới là Manhattan Tower)) đã nhiều lần bị điều chỉnh quy hoạch sai quy định.

Ngày 17/5/2022, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr, thanh tra Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, chủ đầu tư dự án, công trình, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, khu đô thị (KĐT) Trung Hòa – Nhân Chính.

Kết luận Thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng đã “điểm mặt” 19 dự án, công trình và 1 khu nhà ở thấp tầng phát hiện nhiều vi phạm, sai sót, tồn tại liên quan đến công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch. Trong đó, khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu đã nhiều lần bị điều chỉnh quy hoạch không đúng với các quy định của pháp luật.

Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, tại Dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower do Tổng công ty Thành An - Công ty TNHH MTV là chủ đầu tư; Sở Quy hoạch - Kiến trúc có Tờ trình số 563/TTr-QHKT ngày 13/10/2008; UBND TP. Hà Nội chấp thuận quy hoạch định hướng tại Văn bản số 3362/UBND-GT năm 2008 điều chỉnh tầng cao công trình tại ô đất số 20 tối đa 25 tầng là không phù hợp với Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên đường Láng Hạ - Thanh Xuân phê duyệt năm 2002 tầng cao công trình trung bình 5 tầng, là điều chỉnh không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, không tính toán giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vi phạm Điều 29 Nghị định 08/2005/NĐ-CP, khoản 3 Phần 6 Thông tư 07/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Ngày 30/3/2010, UBND TP. Hà Nội đã có Văn bản số 2079/UBND-KH&ĐT, chấp thuận địa điểm nghiên cứu, lập và thực hiện dự án xây dựng công trình hỗn hợp có chức năng văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán, bổ sung chức năng nhà ở, dịch vụ, thương mại là không phù hợp với chấp thuận quy hoạchđịnh hướng tại Văn bản số 3362/UBND-GT năm 2008 là “đất cơ quan, văn phòng”, là điều chỉnh quy hoạch không tính toán sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vi phạm Điều 52 Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chấp thuận tổng mặt bằng tại Văn bản số 562/QHKT-P2 ngày 04/3/2011 với các chỉ tiêu quy hoạch: Diện tích đất 6.146,95 m2; mật độ xây dựng 47 và 51%; tầng cao 7-12-30 tầng; Diện tích xây dựng 3.145m2 là không phù hợp với chấp thuận quy hoạch định hướng tại Văn bản số 3362/UBND-GT năm 2008 (diện tích đất 6.107m2, mật độ xây dựng 40%, tầng cao công trình tối đa 25 tầng), là điều chỉnh quy hoạch không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, không tính toán sự đáp ứng về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vi phạm Điều 47, Điều 52 Luật Quy hoạch đô thị 2009; điều chỉnh quy hoạch không đúng thẩm quyền, vi phạm Điều 3, khoản 2 Điều 5, Điều 13, Điều 14, Điều 15 Quyết định 48/2006/QĐ-UB ngày 11/4/2006 của UBND TP. Hà Nội.

Sau khi được Sở Quy hoạch - Kiến trúc tham mưu, ngày 10/6/2011, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2630/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch ô đất 7.2 CQ từ chức năng đất cơ quan sang xây dựng Tổ hợp văn phòng, thương mại và nhà ở là điều chỉnh quy hoạch không thuộc các trường hợp được điều chỉnh; không tính toán sự đáp ứng về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vi phạm Điều 47, Điều 48 Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Ngày 29/6/2011, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có văn bản số 2133/QHKT-P2 về chấp thuận tổng mặt bằng khi đã có điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 là thêm thủ tục hành chính. Như vậy, UBND TP. Hà Nội điều chỉnh quy hoạch dự án 3 lần; Sở Quy hoạch Kiến trúc 1 lần chấp thuận tổng mặt bằng dự án sai quy định pháp luật, 1 lần chấp thuận tổng mặt bằng thêm thủ tục hành chính khi dự án đã có quy hoạch chi tiết đủ điều kiện để chấp thuận đầu tư xây dựng, cấp Giấy phép xây dựng.

Việc nhiều lần điều chỉnh sai quy định đã làm thay đổi từ đất cơ quan cải tạo chỉnh trang (năm 2002, 2006) văn phòng cao 25 tầng (năm 2008) thành văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán (năm 2010) đã làm tăng diện tích đất xây dựng từ 6.107m2 lên 6.146,95m, tăng mật độ xây dựng từ 40% lên 51%, tăng số tầng từ TB 5 tầng lên 30 tầng, tăng diện tích xây dựng từ 2.443m2 lên 3.145m2, diện tích sàn xây dựng từ là 12.214 mở lên 76.140 m”, tăng quy mô dân số từ 500 người lên khoảng 1.308 người (tạm tính 327 căn hộ để ở x 4 người/căn hộ). Việc này thuộc trách nhiệm của UBND TP. Hà Nội và Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội.

Hà Nội: Hàng loạt dự án 'băm nát' quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu ảnh 1
Dự án công trình trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê, số 19 đường Lê Văn Lương đã 2 lần điều chỉnh quy hoạch sai quy định.

Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chỉ ra sự không phù hợp giữa thiết kế cơ sở với quy hoạch xây dựng được duyệt tại dự án này. Trong đó, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư dự án, Sở Xây dựng Hà Nội, liên danh Công ty TNHH PTW Việt Nam và Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ xây dựng QCI Việt Nam.

Cụ thể, ngày 21/5/2004, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 3153/QĐ-UB, về việc lựa chọn nhà đầu tư, cho chỉ tiêu quy hoạch là nhà ở cho thuê, mật độ xây dựng 48%, tầng cao 12 tầng.

Ngày 13/10/2008, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã có Tờ trình số 563/TTr-QHKT gửi UBND TPP. Hà Nội chấp thuận quy hoạch định hướng tại Văn bản số 3362/UBND-GT năm 2008 đã điều chỉnh ô đất 3.10-NO, công trình nhà ở cho thuê, tầng cao 12 tầng, mật độ xây dựng 48% thành văn phòng, thương mại 16 tầng, chung cư 25 tầng (không kể tầng kĩ thuật), nhà trẻ 4 tầng, là điều chỉnh không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, không tính toán giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vi phạm Điều 29 Nghị định 08/2005/NĐ-CP, khoản 3 Phần 6 Thông tư 07/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Ngày 24/10/2012, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 4826/QĐ-UBND, điều chỉnh cục bộ ô đất 3.10-NO, thành trình hỗn hợp văn phòng, nhà ở và nhà trẻ, gồm khối văn phòng 16 tầng, khối chung cư 25 tầng (không kể tầng kĩ thuật), nhà trẻ 4 tầng, mật độ xây dựng 44,53%, dân số 800 người là điều chỉnh không thuộc các trường hợp được điều chỉnh; không tính toán giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không nêu nguyên nhân dẫn đến việc phải điều chỉnh; hiệu quả kinh tế - xã hội của việc điều chỉnh; các giải pháp khắc phục những phát sinh do điều chỉnh quy hoạch, vi phạm Điều 47, Điều 48 Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Ngày 28/8/2013, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có Công văn số 2753/QHKT-P2 chấp thuận phương án kỹ thuật: Công trình nhà ở 27 tầng, công trình văn phòng 18 tầng (kể cả tầng kỹ thuật và tum thang), vượt 01 tầng đối với công trình nhà ở và vượt 02 tầng đối với công trình văn phòng so với Điều chỉnh cục bộ quy hoạch phê duyệt tại Quyết định số 4826/QĐ-UBND ngày 24/10/2012 (văn phòng 16 tầng; chung cư 25 tầng (không kể tầng kĩ thuật), là điều chỉnh không tính toán giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vi phạm Điều 52 Luật Quy hoạch đô thị 2009; là điều chỉnh quy hoạch vượt thẩm quyền, vi phạm Điều 3, khoản 2 Điều 5, Điều 13, Điều 14, Điều 15 Quyết định 48/2006/QĐ-UB ngày 11/4/2006 của UBND Thành phố Hà Nội.

Ngày 10/11/2016, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có Văn bản số 6754/QHKT-P2 đề xuất UBND thành phố; ngày 01/12/2016, Văn phòng UBND TP. Hà Nội có Văn bản số 11477/VP-ĐT thông báo ý kiến của Phó Chủ tịch thành phố chấp thuận chủ trương điều chỉnh khối văn phòng 16 tầng thành Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, nhà ở và nhà trẻ 25 tầng; ngày 25/01/2017, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cấp giấy phép quy hoạch số 529/GPQH ngày 25/01/2017; ngày 10/7/2017, Sở có Văn bản số 4428/QHKT-TMB-PAKT(KHTH) chấp thuận điều chỉnh tổng mặt bằng, phương án kỹ thuật; ngày 22/4/2020, UBND TP. Hà Nội có Thông báo số 358/TB-UBND kết luận của Tập thể Lãnh đạo UBND Thành phố phê duyệt điều chỉnh dự án, theo đó, công trình văn phòng 16 tầng điều chỉnh thành Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, nhà ở và nhà trẻ 25 tầng, làm tăng dân số 754 người, diện tích sàn xây dựng tăng thêm 10.794 m2 (từ 24.190 m2 thành 34.984 m2), là điều chỉnh không tính toán giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vi phạm Điều 52 Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kỹ thuật tại các Công văn số: 3879/QHKT-P2 ngày 12/12/2012; số 2753/QHKT-P2 ngày 28/8/2013 có phần hầm vượt chỉ giới xây dựng, trùng chỉ giới đường đỏ là vượt thẩm quyền, vi phạm điểm b khoản 5 Điều 3 Nghị định số 39/2010/NĐ-CP.

Cũng theo Thanh tra Bộ Xây dựng, UBND TP. Hà Nội đã điều chỉnh quy hoạch 3 lần, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã điều chỉnh 1 lần sai quy định pháp luật; 4 lần điều chỉnh đã điều chỉnh từ đất ở thành văn phòng, thương mại (2008), thành hỗn hợp văn phòng, nhà ở và nhà trẻ (năm 2012); 01 khối văn phòng lại thành Tổ hợp văn phòng, DVTM, nhà ở và nhà trẻ (năm 2017); đã làm tăng tầng cao từ trung bình 6,5 tầng lên 25 tầng khối văn phòng, 27 tầng khối nhà ở, phát sinh tăng dân số 754 người, diện tích sàn xây dựng tăng thêm 10.794m.

Như vậy, trách nhiệm thuộc về UBND TP. Hà Nội và Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội. Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP. Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc theo thẩm quyền thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có vi phạm.

Một trường hợp tương tự là Dự án công trình trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê, số 19 đường Lê Văn Lương do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Đầu tư Sao Mai là chủ đầu tư. Theo Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, ngày 21/5/2004, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 3153/QĐ-UB lựa chọn nhà đầu tư, cho chỉ tiêu quy hoạch ô đất ở 4.6-NO là nhà ở cho thuê, mật độ xây dựng 34,3%, tầng cao 12 tầng.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội có tờ trình số 563/TTr-QHKT ngày 13/10/2008, UBND TP. Hà Nội chấp thuận quy hoạch định hướng tại Văn bản số 3362/UBND-GT năm 2008 điều chỉnh ô đất 4.6-NO, từ nhà ở cho thuê, tầng cao 12 tầng, thành văn phòng, thương mại và nhà ở 16 tầng, là điều chỉnh không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, không tính toán giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vi phạm Điều 29 Nghị định 08/2005/NĐ-CP, khoản 3 Phần 6 Thông tư 07/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất (Văn bản số 129/QHKT-P2 ngày 16/01/2009, Văn bản 1900/QHKT-P2 ngày 03/8/2009) UBND Thành phố Hà Nội đồng ý điều chỉnh ô đất 4.6-NO mật độ xây dựng từ 34,3% thành 46,5%, là điều chỉnh không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, không tính toán giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vi phạm Điều 29 Nghị định 08/2005/NĐ-CP, khoản 3 Phần 6 Thông tư 07/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Như vậy, UBND TP. Hà Nội đã 2 lần điều chỉnh sai quy định pháp luật, điều chỉnh từ đất ở thành trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê, tầng cao từ trung bình 7,5 tầng (7-9 tầng) thành 16 tầng, mật độ xây dựng từ 55% thành 34,3%, rồi thành 46,5%.

Theo Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, trách nhiệm thuộc UBND TP. Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP. Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội theo thẩm quyền kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có vi phạm.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.