Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, kết thúc buổi thi đầu tiên, toàn thành phố vắng 269 thí sinh. Trong đó, có 38 thí sinh vắng mặt do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (1 F0, 20 F1, 7 F2 và 10 thí sinh trong diện phong tỏa).
Trong buổi thi sáng 12/6, tại 184 điểm thi có 2 thí sinh vi phạm quy chế thi do lỗi sử dụng điện thoại di động; có 17 cán bộ coi thi vắng mặt vì lý do sức khỏe và bị cách ly, không có cán bộ coi thi nào vi phạm quy chế. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã điều động cán bộ coi thi dự phòng đến làm nhiệm vụ, không ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ của kỳ thi.
Thí sinh Trần Bảo Sơn (Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) cho biết, đề thi cả 2 môn Ngữ văn và Tiếng Anh khá vừa sức với em. Đề thi Ngữ văn ngắn gọn, có tính phân hóa. Thời gian làm bài cho cả 2 môn thi khá thoải mái, em hoàn thành bài khá sớm.
Còn thí sinh Đinh Thu Thảo (Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, quận Đống Đa) thì khá tự tin với bài làm của mình. Theo em, 2 đề có mức độ khó không cao, thậm chí Tiếng Anh khá dễ. Em Thảo cho rằng, việc giảm bớt các câu hỏi nhỏ trong đề thi môn Ngữ văn là hợp lý trong bối cảnh học sinh bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ghi nhận tại một số điểm thi, các thí sinh đều cho biết, công tác phòng, chống dịch của điểm thi nghiêm túc. Khoảng thời gian 30 phút nghỉ giữa 2 môn thi, các thí sinh đều được giám thị nhắc nhở giãn cách, không tụ tập bàn bạc. Các điểm thi cũng thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống dịch, luôn có lực lượng chức năng nhắc nhở thí sinh và phụ huynh đảm bảo giãn cách khi ra về.
Nhận định về đề thi môn Ngữ văn, cô Hoàng Thị Lộc, giáo viên Trường Trung học cơ sở Ban Mai (quận Hà Đông) cho rằng, cấu trúc đề thi không thay đổi so với mọi năm vẫn gồm 2 phần: Nghị luận văn học và nghị luận xã hội, có sự thay đổi thang điểm và số lượng câu hỏi phù hợp với thời gian 90 phút. Đề thi gồm kiến thức cơ bản nhưng vẫn phát huy được suy nghĩ cảm nhận và năng lực của học sinh; các câu hỏi rõ ràng, có sự phân hóa tốt.
Ở phần 1 là nội dung “Đồng chí" là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Chính Hữu và thơ ca kháng chiến chống Pháp” và yêu cầu học sinh ghi lại năm sáng tác, in trong tập thơ nào; viết đoạn văn khoảng 12 theo phép lập luận tổng hợp - phân tích - tổng hợp làm rõ cơ sở hình thành tình đồng chí của người lính cách mạng và phân tích vẻ đẹp của những anh bộ đội cụ Hồ. Theo cô Hoàng Thị Lộc, các câu hỏi ra đúng thứ tự mức tư duy. Hai câu hỏi nhận biết kiến thức và câu hỏi vận dụng nhẹ nhàng, mang tính khuyến khích học sinh. Câu hỏi thông hiểu chính là một nội dung quan trọng để phân hóa.
Phần II đề bài cho đoạn trích và câu hỏi “Vì sao Xten-mét-xơ cho rằng “vạch một đường thẳng" có giá 1 đô la nhưng “tìm ra chỗ để vạch đúng đường ấy” lại có giá 9.999 đô la? Đặc biệt, ở câu cuối cùng được cho là khá thú vị với câu trình bày suy nghĩ của em về ý kiến: “Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người”. Cô Hoàng Thị Lộc cho rằng, vấn đề nghị luận không xa lạ nhưng cách nêu vấn đề khá hay, khơi gợi suy nghĩ, hiểu biết của bản thân. Với độ tuổi của học sinh lớp 9, vấn đề nghị luận đã tạo ra "đất diễn" khá tốt để các em nói lên suy nghĩ của mình.
Tương tự, một số giáo viên khác cũng cho rằng, số lượng câu hỏi trong đề thi giảm đi phù hợp với thời gian thi được rút ngắn là 90 phút. Điểm của các câu thành phần có thông tin rõ ràng, thuận tiện cho thí sinh có hướng phân bổ thời gian làm bài. Tuy ngữ liệu của đề thi Ngữ văn vẫn sử dụng trong sách giáo khoa Ngữ văn 9, trải đều cả 2 học kỳ nhưng câu hỏi đã khai thác khá tốt, nêu bật được những nội dung quan trọng của ngữ liệu. Đề thi có độ phân hóa rất tốt khi chỉ còn 1 câu hỏi ở mức nhận biết, 2 câu hỏi ở mức thông hiểu và 2 câu hỏi ở mức vận dụng cao. Để đạt điểm 8,0 đối với đề thi này, học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản và có cách trình bày bài mạch lạc, rõ ràng, tư duy lập luận chặt chẽ, sắc sảo, kỹ năng viết, diễn đạt trôi chảy, hiểu các vấn đề đặt ra một cách thấu đáo.
Đối với môn Tiếng Anh mã đề 118, cô Nguyễn Thị Hương Quỳnh, giáo viên Trường Trung học cơ sở Ban Mai (quận Hà Đông) cho rằng, tuy đề thi năm nay giảm 10 câu so với dự kiến ban đầu nhưng mức độ kiến thức vẫn bám sát chương trình học và đề minh họa của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Trong đó, phần 1 gồm 20 câu (ngữ âm, chức năng giao tiếp, từ đồng nghĩa, đọc hiểu, trắc nghiệm kiến thức từ vựng-ngữ pháp); phần 2 gồm 10 câu (5 câu viết và 2 câu sửa lỗi sai)
Cô Hương Quỳnh cho rằng, phần ngữ âm không có yếu tố bất ngờ, bám sát đề minh họa gồm 1 câu phát âm đuôi -ed, 1 câu phát âm từ có 2 âm tiết và phần trọng âm là các từ quen thuộc gồm 2 âm tiết nằm trong chương trình học. Phần chức năng giao tiếp, số lượng câu hỏi vẫn đảm bảo là 2 câu với yêu cầu tìm câu phản hồi cho lời mời và lời cảm ơn. Thay đổi trong việc giảm 2 câu tìm từ trái nghĩa chỉ còn 2 câu tìm từ đồng nghĩa cũng là lợi thế cho học sinh. Câu hỏi cũng chỉ chứa từ đơn, thân thuộc với học sinh “as” và “benefits”. Về phần trắc nghiệm khách quan về từ vựng, ngữ pháp bao phủ kiến thức trong chương trình như “used to”, “wish”, giới từ, thì, câu hỏi đuôi… Hai bài đọc được giảm từ 5 câu hỏi/ bài xuống còn 4 câu hỏi cho bài điền từ và 3 câu hỏi cho bài đọc hiểu trả lời câu hỏi. Bài đọc hiểu cũng là bài chứa các câu hỏi có tính phân hóa học sinh. Năm câu hỏi phần viết (3 câu tìm câu giống nghĩa với câu gốc; 2 câu hỏi tạo câu hoàn chỉnh từ các từ gợi ý) cũng bao phủ các mảng kiến thức về câu gián tiếp, câu bị động, câu điều kiện, câu chỉ sự nhượng bộ và cấu trúc câu chứa “suggest”. Các câu hỏi đều ở dạng dễ nhận biết, không có trường hợp đặc biệt làm khó học sinh.
Nhìn chung, đề thi môn Tiếng Anh khá cơ bản, không đánh đố học sinh. Mức độ khó phù hợp với năng lực học sinh từ trung bình khá trở lên, có thể đạt được 6-7 điểm, phổ điểm thi dự kiến sẽ khá cao, điểm 9-10 nhiều.
Chiều nay, các điểm thi sẽ thực hiện công tác khử khuẩn, vệ sinh để sáng 13/6, các thí sinh làm 2 bài thi cuối cùng của Kỳ thi: môn Toán trong 90 phút và môn thi Lịch sử trong 45 phút.