Việc đổi mới trong xây dựng và phát triển hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn thành phố đặt ra như một yêu cầu cần thiết và đang được nhà quản lý văn hóa quan tâm. Để phát triển hệ thống thư viện công cộng, ngày 14/10, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố tổ chức tọa đàm “Cách làm và kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển hệ thống thư viện công cộng thành phố Hà Nội”.
Để thư viện không phải đi “ở nhờ”
Ngoài thư viện cấp thành phố, hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn Hà Nội còn bao gồm: 29 thư viện cấp huyện; 54 thư viện cấp xã, phường; trên 1000 thư viện, phòng đọc tại các thôn, làng, tổ dân phố. Thư viện cấp huyện, xã là những mắt xích quan trọng thực hiện sứ mệnh cung cấp thông tin, tri thức đến người dân. Tuy nhiên, hệ thống thư viện này đang gặp nhiều khó khăn, trong đó thiếu cơ sở vật chất đang là một trong những vấn đề đáng trăn trở nhất.
Ngoài một số thư viện cấp huyện có trụ sở hoạt động độc lập, đảm bảo diện tích, bố trí ở các địa điểm thuận lợi cho hoạt động, đa số các thư viện còn khó khăn về trụ sở hoạt động, trang thiết bị thiếu thốn, địa điểm phục vụ nằm trong khuôn viên chung nhiều đơn vị hoặc tòa nhà làm việc của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, thậm chí nằm xa khu dân cư, diện tích chật hẹp, không có địa điểm hoạt động như các thư viện huyện Gia Lâm, Đông Anh, Ứng Hòa, Long Biên.
Điển hình như Thư viện huyện Đông Anh trước đây là một trong những thư viện có hoạt động nổi bật, điều kiện cơ sở vật chất trụ sở, trang thiết bị tốt, không gian rộng rãi, thường xuyên tổ chức các cuộc trưng bày triển lãm, nói chuyện chuyên đề tại trụ sở, thu hút hàng nghìn lượt bạn đọc mỗi năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, Thư viện huyện Đông Anh tạm hoạt động tại trụ sở Đài Phát thanh cũ của huyện, với diện tích sử dụng khoảng 50 m2, cơ sở vật chất thiếu thốn, việc ứng dụng công nghệ tạm dừng sử dụng do máy tính hư hỏng, không được đầu tư mới.
Bà Ngô Thanh Hương, cán bộ Thư viện huyện Đông Anh chia sẻ: Để phát triển văn hóa đọc tại địa phương trong thời gian tới, cán bộ, nhân viên huyện Đông Anh mong muốn được xây dựng trụ sở huyện độc lập với thiết kế phù hợp cho hoạt động và quy trình hoạt động thư viện, có phòng đọc, phòng mượn, kho mở, kho đóng... Đồng thời, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo cảnh quan không gian đọc thân thiện, phù hợp với thị hiếu, đáp ứng nhu cầu nhằm thu hút nhân dân tới đọc sách.
Thư viện huyện Ứng Hòa được bố trí, sắp xếp như một kho sách tại một phòng nhỏ nằm trong tòa nhà chung của Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, nằm xa trung tâm của thị trấn và khu dân cư, không có trang thiết bị, bàn ghế phục vụ bạn đọc và thường xuyên đóng cửa, không phục vụ bạn đọc. Thư viện huyện Gia Lâm nằm tại tầng hai Trung tâm Văn hóa huyện với diện tích gần 200 m2, vị trí nằm xa khu dân cư, vì vậy đã ảnh hưởng đến các hoạt động phục vụ bạn đọc. Thư viện huyện Mỹ Đức nằm trong Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện, có diện tích sử dụng 80 m2, cơ sở vật chất đang ngày một xuống cấp…
Đề cập đến giải pháp phát triển hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn trong thời gian tới, Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh cho rằng, để xây dựng và phát triển hệ thống thư viện công cộng. mạng lưới thư viện cấp huyện cần được quan tâm đầu tư xây dựng, đảm bảo cả 30 quận, huyện, thị xã đều có thư viện. Bên cạnh đó, các thư viện cần được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn tài liệu, trong đó chú trọng có trụ sở thư viện độc lập. Như vậy, nếu hệ thống thư viện được quan tâm đầu tư, nhiều thư viện cấp huyện và cấp xã, phường sẽ thoát khỏi cảnh đi “ở nhờ” như hiện nay.
Hình thành hệ thống thư viện số
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển như hiện nay, người dân dễ dàng tiếp cận các nguồn sách, báo điện tử với chủng loại, loại hình phong phú. Bởi vậy, để thu hút độc giả, việc xây dựng hệ thống thư viện điện tử, tận dụng sức lan tỏa của mạng xã hội nhằm giới thiệu những cuốn sách mới, sách hay, thu hút độc giả tìm đọc sách đang được các thư viện hướng tới.
Bà Phùng Ngọc Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ cho biết, xác định việc phát triển văn hóa đọc, xây dựng thói quen đọc sách cần bắt đầu từ lứa tuổi nhỏ, học sinh, trong những năm gần đây, Thư viện quận Tây Hồ đã chú trọng đến việc đầu tư cơ sở vật chất, vốn tài liệu và phương pháp tiếp cận để phục vụ đối tượng. Trong đó, cán bộ thư viện quận đã giới thiệu sách đến bạn đọc bằng các video clip qua kênh truyền thông như Youtube, Fanpage của Trung tâm. Thư viện cũng xây dựng danh mục giới thiệu sách bằng mã QR, giúp bạn đọc tra cứu, có thể nghe sách nói hoặc đọc nội dung giới thiệu sách một cách thuận tiện khi chỉ cần dùng điện thoại thông mình. Cách tiếp cận này rất phù hợp với giới trẻ và mang đến hứng thú cho lứa tuổi này, khi muốn tìm hiểu nội dung sách mà không cần mang theo sách.
Bà Phùng Ngọc Anh cũng đề xuất hệ thống thư viện thành phố cần đẩy mạnh hoạt động giới thiệu sách địa chí của các đơn vị bằng việc xây dựng các video clip và đăng tải trên kênh Youtube chung của thành phố hoặc liên kết với kênh Youtube “Cùng bạn đọc sách” để giới thiệu nét đẹp hay sản vật của các địa phương trên địa bàn thành phố.
Thực tế, sự phát triển của công nghệ thông tin thời đại 4.0 với nhiều thiết bị điện tử hiện đại như: Máy tính, điện thoại, máy đọc sách… đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của thư viện trong công tác phục vụ tài liệu truyền thống. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của thư viện được coi là xu thế chung. Thư viện quận Hai Bà Trưng bước đầu đã quan tâm đến vấn đề này.
Tiến sĩ Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Hai Bà Trưng cho biết, quận đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện, tích cực chuyển đổi số để mang lại nhiều hơn các dịch vụ tiện tích, giúp độc giả tiếp cận kịp thời trong việc tìm kiếm, khai thác thông tin, lan tỏa, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư tạo ra thách thức nhưng cũng đưa đến nhiều cơ hội cho văn hóa đọc. Nếu được tận dụng và khai thác các ưu thế của công nghệ thì sẽ phát triển được hoạt động thư viện tốt hơn.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đánh giá, các cách làm, kinh nghiệm xây dựng thư viện công cộng tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố rất hay, thiết thực, cần được nhân rộng, lan tỏa. Cùng với sự chủ động của các địa phương, cơ sở, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Thư viện Hà Nội sẽ hỗ trợ phát triển hệ thống thư viện công cộng; đề xuất xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các thủ thư, trao giải thưởng cho các cá nhân, tổ chức tích cực trong hoạt động thư viện cơ sở…