Những bài học chưa có trong tiền lệ
Thảo luận ở tổ, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, nguy cơ bùng dịch COVID-19 của Hà Nội là rất cao. Ngay từ những ngày đầu, chúng tôi đã quán triệt các chỉ đạo của Trung ương và luôn trong tình trạng phòng ngừa cao, quyết tâm bảo vệ Thủ đô, không để dịch bệnh lây lan mạnh.
“Hà Nội chuẩn bị các khu cách ly tập trung lên đến 118 nghìn chỗ. Đồng thời, chuẩn bị khu điều trị F0 không triệu trứng hoặc triệu trứng nhẹ lên đến 20 nghìn giường bệnh. Trong tình huống đặc biệt có thể kích hoạt khu điều trị lên tới 30 nghìn giường. Ngay từ đầu, Hà Nội đã quyết không để F0, F1 ở nhà. Trên tinh thần là chủ động về đội ngũ y tế. Do vậy khi xảy ra dịch tại phường Thanh Xuân Trung, Hà Nội đưa người đi cách ly tập trung. Các quyết định của thường vụ, lãnh đạo thành phố là rất hệ trọng, phải làm ngay”, ông Đinh Tiến Dũng nói.
Tuy nhiên, ông Đinh Tiến Dũng cũng chỉ những bài học chưa từng có tiền lệ vừa qua khi Hà Nội triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 vẫn có sự lúng túng nhất định. Cụ thể là triển khai làm giấy đi đường và phân dịch bệnh. Mặc dù, thường trực Thành ủy đã bàn kỹ nhưng quá trình triển khai thực tế gặp khó khăn. Ngay khi thấy bất cập, lãnh đạo thành phố có quyết định ứng phó, bỏ 3 vùng, bỏ giấy đi đường…
Khẳng định đây là những tình huống khó tránh khỏi khi dịch bệnh phức tạp, người đứng đầu thành phố khẳng định, điều quan trọng là bảo vệ được sức khỏe người dân, bảo vệ được sự an toàn của thành phố.
Về công tác xét nghiệm, ông Đinh Tiên Dũng cho biết, đợt cao điểm, thành phố đã triển khai xét nghiệm tầm soát y tế toàn dân theo chỉ định của dịch tễ và công thức của Bộ Y tế. Đợt cao điểm đã xét nghiệm được 4,2 triệu mẫu. Chẳng hạn, vùng có nguy cơ cao, rất cao như: Những người dân ở phường Thanh Xuân Trung, Văn Chương, Văn Miếu trung bình 2-3 ngày lại xét nghiệm một lần.
Về công tác an sinh xã hội, sau khi nghiên cứu triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ, Hà Nội đã thống nhất rà soát, bổ sung thêm 10 đối tượng, giảm 15% tiền nước sạch toàn dân thành phố. Những F0 triệu trứng nhẹ miễn toàn bộ chi phí điều trị.
Đánh giá chung cho thấy, Hà Nội không bị đứt gãy chuỗi cung ứng và bảo vệ được các khu công nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm, Hà Nội tăng trưởng 1,28%, riêng công nghiệp là tăng 6,3%, nông nghiệp vẫn tăng trưởng, chỉ có dịch vụ là sụt giảm.
Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (Đoàn Hà Nội) đề xuất Chính phủ cần có chiến lược chống dịch lâu dài. Ảnh: Anh Dũng |
Cần có một chiến lược chống dịch lâu dài
Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (Đoàn Hà Nội) đề xuất cần có một chiến lược chống dịch lâu dài, căn cơ để mở cửa lại nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người dân. Mặt khác, học sinh trở lại trường học cũng là vấn đề rất lớn. Việc tiêm phủ vaccine cho học sinh đến trường có an toàn hay không? Hà Nội cũng cần chiến lược hết sức tổng thể.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho biết: “Dư luận có nhiều ý kiến về xét nghiệm đại trà do đó chúng ta cần có phản hồi rõ ràng để người dân hiểu. Tuy nhiên, cần có đánh giá, nếu thực sự lãng phí thì cần có chính sách điều chỉnh”.
Tuy nhiên, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng cho rằng, Chính phủ nên đánh giá toàn diện đợt dịch vừa qua thể hiện đã đạt được gì, việc gì không đạt. Đồng thời, cần có các kịch bản khác nhau để tránh bị động. Mặt khác, Chính phủ cũng nền rà soát lại các quỹ. Trong thời gian qua chỉ có 4 quỹ được sắp xếp lại. Đồng thời, loại bỏ những quỹ chi trùng với ngân sách. Nếu có kết dư thì bổ sung phục hồi kinh tế”.
Trao đổi lại những vấn đề lãng phí xét nghiệm trong đợt cao điểm, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 4,2 triệu mẫu xét nghiệm phát hiện được 19 ca F0. Việc xét nghiệm của Hà Nội là hoàn toàn khoa học, theo chỉ định dịch tễ và không lãng phí.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, thời gian tới Hà Nội vẫn đối diện nhiều khó khăn thách thức. Hiện nay Hà Nội đã mở cửa, lượng người dân về Hà Nội rất đông và trong thời gian qua đã phát hiện nhiều ca F0 trong cộng đồng. Đây là áp lực rất lớn của ngành y tế chống chọi tiếp giai đoạn mới, chấp nhận những ca F0 trong cộng đồng.
Trước tình huống này, bà Trần Thị Nhị Hà đề xuất, Chính phủ cần có chiến lược cụ thể hơn về chiến lược vaccine trong năm 2022. Hà Nội cũng phải nâng cao nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở, điều trị. Thành phố cũng cần đẩy mạnh công tác truyền thông để tạo được sự tin tưởng, đồng thuận của người dân chứ không phải thông tin tạo ra sự bất an trong dân. Đồng thời, cần có cơ chế đặt hàng dịch vụ xét nghiệm và định mức kinh tế kỹ thuật cho những dịch vụ xét nghiệm.
Hiện nay, người tiêm cả hai mũi từ vùng dịch về Hà Nội vẫn bị nhiễm COVID-19 nên Hà Nội vẫn tiếp tục kiểm soát. Do đó, người từ vùng dịch về mà không khai báo, không tự cách ly phải phạt nặng.