Ủy ban Hành chính thuộc Hạ viện Mỹ vừa thông báo cấm cài đặt ứng dụng phát video ngắn TikTok - thuộc công ty Byte Dance (có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc) - trên tất cả các thiết bị do Hạ viện Mỹ quản lý, động thái tương tự một đạo luật sắp có hiệu lực, theo đó cấm sử dụng TikTok trên những thiết bị của Chính phủ Mỹ.
Trong thông báo gửi tới các hạ nghị sỹ và nhân viên Hạ viện Mỹ ngày 27/12, Giám đốc Hành chính của Hạ viện Mỹ (CAO) nêu rõ ứng dụng TikTok bị coi là “có mức độ rủi ro cao do một số vấn đề bảo mật” và phải được xóa khỏi mọi thiết bị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan lập pháp này.
Quy định mới được đưa ra tiếp sau một loạt động thái của chính quyền các bang ở Mỹ cấm TikTok trên những thiết bị thuộc sự quản lý của chính phủ.
Tính đến tuần trước, 19 bang đã cấm một phần hoặc hoàn toàn ứng dụng này trên những thiết bị thuộc quyền quản lý của nhà nước, vì lo ngại dữ liệu người dùng do TikTok thu thập có thể bị lạm dụng.
Dự luật ngân sách chính phủ liên bang trị giá 1.700 tỷ USD cho tài khóa 2023 (kết thúc ngày 30/9/2023) được thông qua hôm 20/12 cũng bao gồm điều khoản cấm TikTok trên các thiết bị do chính quyền liên bang quản lý và sẽ có hiệu lực sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật.
Theo thông báo gửi tới đội ngũ nhân viên của Hạ viện Mỹ, bất kỳ người nào cài đặt TikTok trên thiết bị đều sẽ được liên hệ để yêu cầu xóa đi, đồng thời cấm tải về ứng dụng này trong tương lai.
Một số thành viên của Quốc hội Mỹ thậm chí còn đề xuất cấm ứng dụng TikTok trên phạm vi toàn quốc, tương tự quy định mà một số quốc gia khác (như Ấn Độ...) đang thực hiện.
Jamf Holding Corp - nhà cung cấp phần mềm bảo mật trên các thiết bị của Apple - cho biết các cơ quan chính phủ là khách hàng của công ty này đã tăng cường chặn quyền truy cập TikTok kể từ giữa năm nay.
Số liệu của Jamf Holding Corp cho thấy trong tháng 12/2022, khoảng 65% nỗ lực kết nối với TikTok đã bị chặn lại trên các thiết bị thuộc khu vực công do công ty này quản lý trên toàn thế giới - tăng so với mức 10% được ghi nhận hồi tháng 6 vừa qua.
Trước những diễn biến trên, ngày 19/12, TikTok bày tỏ thất vọng về “những chính sách được ban hành dựa trên các lập luận vô căn cứ về TikTok, trong khi những điều này sẽ không giúp ích gì cho quá trình tăng cường an ninh quốc gia của Mỹ.”
Nhiều tháng qua, giới chức Mỹ và TikTok đang đàm phán về một thỏa thuận liên quan đến an ninh quốc gia, trong đó đề cập đến những lo ngại xung quanh việc dữ liệu của hơn 100 triệu người dùng TikTok tại Mỹ được ứng dụng này sử dụng như thế nào.