Nhận định này được Bộ GTVT, Cục Hàng không và các hãng hàng không đưa ra tại cuộc Toạ đàm “Giải pháp thúc đẩy hàng không Việt phát triển bền vững”diễn ra chiều nay, 11/4/2019 tại FLC Quy Nhơn.
Thống kê của Cục Hàng không cho thấy, trong 5 năm qua, mạng đường bay của các hãng hàng không trong nước đã mở rộng rất nhanh với sự tham gia của 4 hãng hàng không Vietnam Airlines, Viejet, Jetstar và Bamboo Airways. Tại thị trường quốc tế, 71 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không trong nước đang khai thác 140 đường bay, kết nối Việt Nam tới 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đội tàu bay cũng lớn mạnh nhanh chóng khi năm 2008 tổng số tàu bay của hàng không Việt Nam chỉ có 60 tàu, con số này hiện tại đã tăng lên 192 tàu (gấp 3 lần). Độ tuổi trung bình của đội tàu bay Việt Nam hiện nay chỉ là 5,8 tuổi, so với năm 2008 là 8,8 tuổi. Năm 2008, tàu bay sở hữu của các hãng chỉ có 29 tàu, còn lại là tàu đi thuê. Con số này hiện nay là 57 tàu bay sở hữu.
“Nếu như trước đây, đội bay chủ yếu chỉ có Vietnam Airlines, còn hiện nay có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân, cụ thể là Vietjet, Bamboo Airways. Sự thay đổi này rõ ràng ở cả chất và lượng. Mạng đường bay của hàng không Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến sau 10 năm với gần 60 đường bay nội địa và 130 đường bay quốc tế so với 25 đường bay nội địa và 54 đường bay quốc tế vào năm 2008. Năm 2008, các chuyến bay quốc tế chủ yếu bay qua Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, nhưng thời điểm hiện nay đã kết nối với rất nhiều cảng khác như: Cát Bi, Cần Thơ, Cam Ranh, Liên Khương, Phú Quốc…. Điều này đã tạo ra bước phát triển tương đối vững chắc, bền vững. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá hàng không Việt Nam thuộc diện tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng luôn đạt mức 2 con số”, ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.
Cũng theo ông Phạm Văn Hảo, bức tranh hàng không của Việt Nam đẹp như hiện nay có phần không nhỏ nhờ sự tham gia của tư nhân, mang lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng, cho khách đi máy bay.
Trước những lo ngại về hạ tầng quá tải, thị trường tăng trưởng nhanh như vậy có phải là tăng trưởng nóng hay không, ông Trần Minh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch đầu tư- Bộ GTVT cho biết, bộ này đã tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không. “Chúng tôi dự báo tăng trưởng 2 con số này sẽ tiếp tục đến năm 2020 và giảm dần xuống một con số sau năm 2020”, ông Phương nói và nhận định: đây là con số mang tính chất dự đoán, là cơ sở, định hướng cho phát triển kết cấu hạ tầng, định hướng phát triển của các hãng hàng không để chúng ta đầu tư, khai thác đồng bộ, hiệu quả kết cấu hạ tầng cũng như tạo ra hiệu quả của các doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Chia sẻ về quan ngại này, ông Đỗ Đức Tú- đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: “Sự phát triển nóng của hàng không có mặt tích cực và cả hệ luỵ nhất định.Tích cực vì đây là cơ hội phát triển hàng không, phát triển kinh doanh vận tải hàng không. Nhưng tăng trưởng quá nhanh, khả năng đáp ứng về hạ tầng sân bay, cụ thể là hạ tầng chưa theo kịp tốc độ của vận tải. Kế đó là vấn đề con người. Các hãng hàng không có thể huy động được các nguồn vốn để thành lập một hãng hàng không, ký hợp đồng mua tàu bay rất lớn, nhưng con người là vấn đề phải quan tâm. Có phương tiện nhưng phải có người vận hành đảm bảo an toàn tuyệt đối.”
Trấn an rằng thị trường phát triển nhanh nhất thế giới nhưng không nóng vì vẫn trong tầm kiểm soát, ông Phạm Văn Hảo cho rằng hàng không là lĩnh vực đặc thù, nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ tăng trưởng chung của hàng không thế giới, tốc độ tăng trưởng 2 con số liên tục của hàng không Việt Nam trong giai đoạn hơn 10 năm qua, một số người có thể nói là nóng. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận vào đặc thù của hàng không Việt Nam là thị trường có xuất phát điểm thấp, nên chúng ta có nhiều cơ hội để phát triển đột phá.
Cụ thể, theo nhận định của Cục Hàng không, sự tăng trưởng đột phá đầu tiên là nhờ chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước. Nhiều năm qua, GDP của Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng. Với tốc độ tăng trưởng GDP ổn định từ 5,5% - 7,5%/năm trong 10 năm qua, tăng trưởng về hàng không đạt gấp 2 đến 2,5 lần là hoàn toàn phù hợp với các đánh giá, dự báo của các tổ chức, doanh nghiệp hàng không lớn trên thế giới như: ICAO, IATA, Boeing...
Thừa nhận sự quá tải ở Tân Sơn Nhất là thực tế. Tuy nhiên, ông Hảo cho rằng đó chỉ “tính thời điểm”. “Tính toàn mạng, chúng tôi không coi đó là nóng. Hàng không không chỉ tuân thủ quy định trong nước mà còn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về an ninh, an toàn không của ICAO và cả các nhà chức trách hàng không nước ngoài. Đến năm 2020, ICAO sẽ thanh sát Cục Hàng không VN, đánh giá toàn bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống an ninh an toàn hay không. Vừa qua, Cục Hàng không liên bang Mỹ cũng đã làm việc 3 tháng, đánh giá vấn đề đảm bảo an ninh an toàn trong toàn bộ hệ thống và đạt mức cao nhất là CAT 1”, ông Hảo nói.
Ông Hảo cũng cho rằng dư địa hàng không của Việt Nam còn rất lớn. Theo ICAO, tính theo dân số, một quốc gia có hàng không phát triển, tỷ lệ người dân phải đi gấp đôi năng lực. Ví dụ Việt Nam có 90 triệu dân, năng lực phải trên 100 triệu. Nhưng hiện chúng ta mới chỉ 50 triệu. Và trong bối cảnh này, bàn về cơ hội cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng trên thị trường mới là vấn đề rất thiết thực, bổ ích, không chỉ cho lĩnh vực hàng không, mà cho cả những đơn vị có liên quan đến ngành hàng không.