Theo Wall Street Journal, các mặt hàng nổi tiếng của Mỹ như giày Crocs, bia Yeti, máy hút bụi Roomba và máy quay GoPro đều đang được chế tạo ở những nhà máy ngoài Trung Quốc.
Nỗ lực này nhằm tránh các lệnh áp thuế lên đến 25% của Mỹ nhắm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tập đoàn Apple cũng đang cân nhắc chuyển cơ sở lắp ráp cuối chuỗi sản xuất một số thiết bị ra khỏi Trung Quốc với lý do tương tự.
Không chỉ riêng các công ty Mỹ, những chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu đang tái định hình trật tự giữa bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài. Giới lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định họ sẽ dời hẳn hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Họ không muốn lãng phí tiền bạc và thời gian đã đầu tư cho nhà máy và các hợp đồng vận chuyển mới.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka cuối tháng 6, đồng ý dừng leo thang chiến tranh thương mại. Ảnh:AFP. |
Nhiều công ty cho biết việc di dời sản xuất bắt đầu tăng mạnh vào tháng 5, khi mức thuế tăng lên 25%. Hãng bia Yeti xác nhận phần lớn sản phẩm vào cuối năm 2019 không còn được sản xuất tại Trung Quốc. Tập đoàn iRobot dự tính xây dựng một dây chuyền sản xuất mới ở Malaysia.
Nhà sản xuất động cơ diesel Cummins thông báo họ đã tiết kiệm được 50 triệu USD tiền thuế sau khi di dời một phần sản xuất sang Ấn Độ và những nước khác. Hãng Crocs cũng dự tính giảm lượng sản phẩm chịu thuế do làm tại Trung Quốc từ 30% còn 10% vào năm 2020.
Nhập khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ tháng 5 giảm đến 12% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tuy nhiên, các công ty này không mang nhà máy trở về Mỹ như những gì chính quyền Tổng thống Donald Trump kêu gọi. Được hưởng phần lợi lớn nhất từ xu hướng này lại là nhiều nước châu Á có chi phí sản xuất thấp như Việt Nam, Ấn Độ, Đài Loan và Malaysia.
|
Công nhân bốc hàng lên một cần cẩu tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 7/6. Ảnh:Reuters. |
Công ty đồ dùng nội thất Lovesac giờ chỉ còn 60% sản phẩm được làm tại Trung Quốc, giảm 15% so với đầu năm 2019. "Chúng tôi đã chuyển giao hoạt động sản xuất sang Việt Nam rất mạnh mẽ trong thời gian qua", Shawn Nelson, giám đốc điều hành công ty, khẳng định mục tiêu của Lovesac là chấm dứt sản xuất hàng hóa ở Trung Quốc vào cuối năm 2020.
"Một khi bạn đã ra đi, bạn sẽ không quay trở lại nữa", ông cho biết.