Nguyên nhân dẫn đến sự tồn đọng trên, theo đánh giá của Bộ TN&MT, là do từ cuối năm 2017, Trung Quốc dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu phục vụ tái chế, vì vậy, các nước có nhu cầu sử dụng phế liệu để tái chế, trong đó có Việt Nam, có điều kiện nhập hàng. Nhiều DN phế liệu, dù chưa có giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường nhưng vẫn ký hợp đồng mua bán với các đối tác nước ngoài.
Nhưng quy định về nhập khẩu phế liệu của nước ta khá nghiêm ngặt, nên nhiều DN không bổ sung được các giấy tờ liên quan nên bỏ luôn hàng. Một số DN đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng với thực tế, hoặc đã chuyển địa chỉ mà không cập nhật để cố tình nhập phế liệu không đáp ứng quy định.
Ngoài ra, một số hãng tàu vận chuyển trong tờ khai E-Manifest lược khai hàng hóa không có phế liệu, nhưng sau khi dỡ hàng xuống cảng mới khai báo cụ thể số lượng, chủng loại hàng phế liệu. Điều này đã dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng phế liệu nhập về đến Việt Nam chưa đủ điều kiện thông quan, gây ùn ứ tại các cảng, trong đó có Cái Mép-Thị Vải.
Theo cơ quan chức năng, nước ta chưa có cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa (ngoài biên giới), chỉ khi tàu cập cảng, hàng hóa được vận chuyển sắp xếp lên bờ, lúc đó mới làm thủ tục thông quan và kiểm tra giấy phép. Do đó, cơ quan chức năng luôn bị động, phải đối phó với những chủ tàu, chủ hàng cố tình vi phạm, gian lận nhập phế liệu không đúng hoặc không có giấy phép.
Để giải quyết được vấn đề này, trước khi hàng phế liệu nhập khẩu vào cảng cần làm rõ chủ hàng là ai, loại hàng hóa gì. Nếu hãng tàu không làm rõ được các yêu cầu thì tạm dừng việc nhập khẩu phế liệu vào cảng để tránh tình trạng tồn đọng nhiều container vô chủ như hiện nay.
Liên quan đến việc xử lý các container phế liệu tồn đọng, Tổng cục Hải quan vừa có văn bản hướng dẫn quản lý nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam gửi cục hải quan các tỉnh, thành phố. Theo đó, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài chỉ được dỡ nhập cảnh xuống cảng khi đáp ứng các điều kiện như: Có giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu; người nhận hàng có giấy ký quỹ bảo đảm nhập khẩu; lượng phế liệu dỡ xuống cảng không được vượt quá lượng phế liệu được nhập.
Ngày 13/6, Chính phủ đã yêu cầu 4 Bộ: Tài chính, TN&MT, Công Thương, GTVT khẩn trương rà soát, siết chặt hoạt động nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động mua bán, chế biến phế liệu nhằm đảm bảo an toàn môi trường. Trường hợp vượt thẩm quyền, các Bộ cần kịp thời báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý phù hợp.
Hàng nghìn container phế liệu tồn đọng ở cảng Cái Mép - Thị Vải
Cảng Cái Mép-Thị Vải đang tồn đọng khoảng 3.000 container hàng phế liệu, chủ yếu là các mặt hàng sắt thép, nhựa, giấy.
Có hàng nghìn container phế liệu tồn đọng tại các cảng biển. Ảnh: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu |
Theo SGGP