Hàng trăm giáo viên Sóc Sơn hoang mang vì phải thi tuyển viên chức

Tưởng sẽ được xét đặc cách, nhưng hàng trăm giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn lại hoang mang khi bất ngờ nhận được quyết định vẫn phải thi tuyển viên viên chức.
Các giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn lo lắng trước nguy cơ mất việc. (Ảnh: Vietnamnet)
Các giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn lo lắng trước nguy cơ mất việc. (Ảnh: Vietnamnet)

Theo văn bản số 1007-TB/HU ngày 11/7/2019 của Huyện ủy Sóc Sơn thông báo kết luận của Ban Thường vụ Huyện ủy về công tác tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019, theo đề xuất của Uỷ ban Nhân dân huyện, các giáo viên hợp đồng trên địa bàn huyện Sóc Sơn vẫn sẽ phải tham gia thi tuyển trong kỳ thi tuyển viên chức giáo dục năm 2019.

Ngay sau khi được thông báo về kết luận trên, 256 giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội, đã viết đơn khiếu nại gửi Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Các giáo viên nêu căn cứ, chiều 9/7 vừa qua, tại phiên chất vấn Kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung đã nói rõ: Đối với các trường hợp giáo viên hợp đồng đã có thâm niên giảng dạy tại các huyện ngoại thành, thành phố Hà Nội đã xin ý kiến và được Bộ Nội vụ hướng dẫn. Bộ Nội vụ cũng dã giao Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội quyết định hình thức tuyển dụng đối với các trường hợp này.

Thành phố sẽ thực hiện việc xét tuyển đối với tất cả giáo viên đã ký hợp đồng nhiều năm với các điều kiện: có hợp đồng và đóng bảo hiểm trong suốt thời gian vừa qua, đủ sức khỏe, đủ trình độ, năng lực phù hợp với Đề án mô tả vị trí việc làm, có thâm niên công tác từ 5 năm trở lên. Thành phố sẽ giao cho các quận, huyện thành lập Hội đồng xét tuyển. Số giáo viên còn lại không đáp ứng được các điều kiện trên sẽ phải thi tuyển.

Cô Nguyễn Thị Minh Phương, giáo viên Trường Trung học cơ sở Đông Xuân (xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn), có thâm niên dạy Ngữ văn 23 năm cho rằng, nếu đối chiếu với lời phát biểu của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố thì toàn bộ 256 giáo viên hợp đồng của Sóc Sơn đều đủ điều kiện để được xét tuyển, không phải qua thi tuyển.

Cô Hoàng Thị Nga, giáo viên Trường Trung học cơ sở Trung Giã (Sóc Sơn) cũng cho rằng, việc Huyện ủy Sóc Sơn ra quyết định vào ngày 11/7 (tức là chỉ sau lời phát biểu của Chủ tịch thành phố hai ngày) lựa chọn hình thức thi tuyển đối với các giáo viên hợp đồng là đang đi ngược lại với sự chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Về vấn đề này, ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Sóc Sơn cho biết, huyện đang rất khó giải quyết bởi Quyết định 3455/QĐ-UBND ngày 28/6/2019 của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê số lượng giáo viên hiện đang hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn để xem xét thực hiện tuyển dụng đặc biệt vào viên chức đối với những trường hợp đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ.

“Theo Khoản 7 Điều 2 của Nghị định số 161, ngoài các điều kiện về thâm niên, trình độ, đóng bảo hiểm thì việc xét tuyển đặc biệt chỉ áp dụng với người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Trong khi đó, toàn bộ 256 giáo viên này đang công tác trong các đơn vị công lập, nên chúng tôi không thể áp dụng hình thức xét tuyển đặc biệt đối với các giáo viên này được,” ông Lê Hữu Mạnh cho biết.

Theo ông Mạnh, trong văn bản của Bộ Nội vụ trả lời thành phố Hà Nội cũng yêu cầu phải thực hiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ.

Ông Lê Hữu Mạnh cho biết thêm, việc quyết định hình thức tuyển dụng đã được căn cứ theo các quyết định, văn bản của thành phố, Sở Nội vụ Hà Nội. “Nếu không căn cứ theo các quyết định, văn bản đó, khi tổ chức xét tuyển xong bị hủy kết quả thì càng khó giải quyết vấn đề. Chúng tôi đang kiến nghị thành phố cần có quyết định bổ sung ghi rõ như lời Chủ tịch thành phố đã nói trong Kỳ họp Hội đồng Nhân dân vừa qua. Có như thế, chúng tôi mới có căn cứ để thực hiện”, ông Mạnh nói.

Đặt vấn đề với Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Sóc Sơn trong trường hợp tổ chức thi tuyển, các giáo viên bị trượt sẽ giải quyết như thế nào, ông Lê Hữu Mạnh cho biết, chắc chắn sẽ phải chấm dứt hợp đồng với các giáo viên này. Sau đó, nếu thi tuyển xong vẫn thiếu giáo viên, căn cứ vào nhu cầu của nhà trường, sẽ ký hợp đồng với các giáo viên này.

“Khi ký lại hợp đồng, có thể mức lương được giữ nguyên nhưng các quyền lợi khác sẽ không được như trước. Thời gian ký hợp đồng cũng có thể theo năm học. Các giáo viên không tham gia thi cũng buộc phải chấm dứt hợp đồng nếu sau khi tổ chức thi tuyển, vị trí việc làm đã đủ cho những người trúng tuyển. Thật sự, chúng tôi đã tính đến phương án huyện sẽ hỗ trợ các giáo viên thi trượt đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đủ thời gian nghỉ hưu”, ông Lê Hữu Mạnh chia sẻ.

Theo văn bản số 1554/SNV-XDCQ ngày 7/7/2019 của Sở Nội vụ Hà Nội trả lời kiến nghị của các giáo viên hợp đồng tại các quận, huyện, thị xã, ngày 22/7 tới, các quận, huyện phải đăng ký hình thức tuyển dụng. Trong những ngày này, cả 256 giáo viên Sóc Sơn và lãnh đạo huyện Sóc Sơn đều chờ một văn bản bổ sung của thành phố, cụ thể hóa lời phát biểu của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội để làm căn cứ giải quyết những thắc mắc, khiếu nại đã kéo dài nhiều tháng qua./.

Theo Vietnamplus
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).