Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Quan họ có từ thế kỷ 17, bắt nguồn từ tục kết chạ giữa các làng xóm. Về mặt sáng tạo nghệ thuật dân ca Quan họ được coi là đỉnh cao của nghệ thuật thi ca. Quan họ là một làn điệu, một loại hình dân ca đặc sắc, một lối hát giao duyên nổi tiếng của vùng đồng bằng Bắc Bộ – Việt Nam mà tập trung chủ yếu ở vùng Bắc Ninh – Bắc Giang (Kinh Bắc).
Tên gọi "Quan họ" đã có từ rất xa xưa, không ai biết chính xác vì sao lại có tên gọi này. Có rất nhiều giả thuyết lý giải nhưng cho đến nay chưa có giả thuyết nào có đủ tính thuyết phục.
Có giả thuyết cho rằng "Quan họ" là thể loại âm nhạc của "họ nhà quan" nên được gọi là "Quan họ" (khác với các thể loại dân ca khác, quan họ không được sinh ra từ tầng lớp nhân dân lao động, mà được sinh ra từ tầng lớp trung lưu nông thôn). Cũng có truyền thuyết cho rằng, có một ông quan cưỡi ngựa đi qua làng Diềm Xá (xã Hòa Long, huyện Yên Phong, Bắc Ninh), gặp một cô gái đang hát điệu dân ca. Ông quan dừng ngựa lại (họ) để nghe, mê tiếng hát và đặt tên là làn điệu quan họ.
Dù giả thuyết có như thế nào thì từ xa xưa Quan họ đã là món ăn tinh thần, một nét sinh hoạt văn hóa đẹp của người dân Kinh Bắc. Từ già đến trẻ ai cũng hát được một vài làn điệu Quan họ. Người chơi Quan họ sành điệu không chỉ hát hay, hát được nhiều làn điệu mà phải hát được nhiều bài lời cổ.
Theo Giáo sư Vũ Ngọc Khánh và Phạm Minh Thảo, trong sách "Kho tàng diễn xướng dân gian Việt Nam" có thể chia hát quan họ thành những dạng như sau: Hát quan họ ở hội còn gọi là hát Hội; Hát quan họ ở đám còn gọi là hát Mừng; Hát quan họ ở cửa đình, cửa đền còn gọi là hát Thờ hát Cầu; Hát quan họ tại nhà giữa hai nhóm quan họ trai gái mời nhau còn gọi là hát Canh.
Trong các dạng hát quan họ kể trên, hát Hội và hát Canh là hai hình thức hát quan họ nổi bật có giá trị văn hóa cao.
Hoạ sĩ Đỗ Dũng – Chủ nhiệm CLB quan họ truyền thống Nhị Hà cho biết, một canh hát đúng lề lối thường kéo dài từ 7-8h tối cho đến 2-3h sáng, trình tự được chia thành 3 chặng. Đầu tiên là hát giọng cổ hay giọng lề lối như: "La rằng", "Đường bạn", "Kim lan", "Tình tang", "Cây gạo", "Cái ả cái hời"… Chặng giữa là hát những bài thuộc hệ thống giọng lẻ, giọng vặt. Ở chặng này, người ca không phải tuân theo trình tự các giọng bắt buộc như chặng đầu. Chặng cuối, quan họ khách thường hát những câu giã bạn để xin phép chủ ra về, còn quan họ chủ thì hát đối những lời ca giữ khách. Cả khách và chủ đều trong tâm trạng quyến luyến, bịn rịn, không muốn rời nhau nên cả hai bên thường ca những câu xúc động như: "Người ơi, người ở đừng về", "Tạm biệt từ đây", "Chia rẽ đôi nơi", "Kẻ Bắc người Nam", "Con nhện giăng mùng"… và dùng dằng hẹn đến hội sau với câu "Đến hẹn lại lên"...
Hát đôi Quan họ - nét đẹp ít người biết đến |
Nội dung chính trong buổi hát Quan họ thường là khi hai bên nam – bọn Quan họ nam và nữ – bọn Quan họ nữ hát đối nhau. Đứng đầu mỗi bọn Quan họ là liền anh, bên nữ gọi là liền chị. Các câu hát có thể được chuẩn bị sẵn, nhưng ra đến khi đối đáp nhau thì thường dựa trên khả năng ứng biến của hai bên.
Trong Quan họ người ta bao giờ cũng hát đôi. Khi một đôi trong Quan họ bạn hát thì bên kia cũng chuẩn bị một đôi để hát đối lại. Chính vì vậy hát Quan họ là loại hát đối đáp, hát giao duyên. Những người hát Quan họ thường được gọi là liền anh, liền chị.
Tìm người hát đôi trong Quan họ không dễ. Theo các nghệ nhân Quan họ, người hát đôi trong Quan họ xưa hiểu nhau hơn cả vợ chồng, hơn cả chị em, có thể coi là tri kỷ.
Hát đôi trong Quan họ đòi hỏi người này có chất giọng phù hợp với người kia, khi hát, hiểu ý nhau, làm nền cho nhau, cùng đưa đẩy để làn điệu thêm lay động lòng người.
Căn cứ vào sự đồng nhất về cữ giọng, âm sắc, họ xếp thành từng cặp: anh Cả – chị Cả, anh Hai – chị Hai, anh Ba – chị Ba, anh Tư – chị Tư… Lời ca trong quan họ chủ yếu nói về tình yêu nam nữ, sự gắn bó thủy chung. Nhưng trên thực tế họ không hề nghĩ đến chuyện yêu nhau mà chỉ quan hệ trên cơ sở bình đẳng tôn trọng lẫn nhau. Họ gọi nhau bằng anh, chị và xưng em hoặc tôi. Người Quan họ gặp nhau, sau câu chào, mỗi lời muốn nói đều có "thưa". Trước mỗi câu hát, các liền chị lại "Dạ thưa các anh hai", hoặc "sau đây, chúng em xin hát hầu các anh hai ạ..". Đầu câu nói luôn có tiếng "dạ", hết câu bao giờ cũng đầy duyên dáng, lễ phép với từ "ạ" phía sau. Rộn ràng mà vẫn giữ lễ giáo, vui tươi nhưng vẫn nghiêm túc. Đó chính là giây phút gặp gỡ của người Quan họ.
Kết cấu của mỗi điệu hát lại được hình thành từ những lễ kết nghĩa. Lễ kết nghĩa được bắt đầu bằng những lời thăm hỏi tận tình hoặc những lời thề thốt. Sau đó, họ lại có buổi gặp nhau ở bên nam. Tại đây họ có thể hát thâu đêm suốt sáng để thổ lộ với nhau về tình cảm.
Chị Hai Chính (Nguyễn Thị Như Chính - nguyên giảng viên trường ĐH Thương Mại Hà Nội) chia sẻ: "Tìm người hát đôi rất khó. Không chỉ hiểu nhau, có giọng hát phù hợp với nhau mà còn phải biết nâng giọng hát nhau lên. Nhờ có quan họ, chúng tôi luôn yêu đời, yêu người. Đó là những giá trị vô giá mà văn hóa cha ông để lại cho chúng ta. Quan họ làm cho người ta sống nhân văn hơn. Chính vì thế mà chúng tôi càng nỗ lực hơn nữa để truyền đạt và lan tỏa những tinh hoa của cha ông đến những tình yêu quan họ, đặc biệt là giới trẻ".