Tuy nhiên, một hóa thạch từ Trung Quốc của loài Psittacosaurus được bảo quản tốt đến mức có thể nhìn thấy lỗ mở của loài khủng long này dùng để bài tiết và sinh sản. Dù phát hiện này không đưa ra bất kỳ câu trả lời cụ thể nào về cách các loài khủng long giao phối, nhưng nó cũng giúp đưa ra một số gợi ý.
"Chúng tôi không có bất kỳ hóa thạch khủng long nào chi tiết tới mức vậy", nhà cổ sinh vật học Jakob Vinther cho biết. "Những gì chúng ta biết là dựa trên lịch sử tự nhiên, nơi chúng ta so sánh nó với các nhóm động vật sống".
Trong khi hầu hết các loài động vật có vú đều có các lỗ riêng biệt cho các chức năng cơ thể, thì nhiều loài động vật khác - bao gồm cả chim và bò sát chỉ có một lỗ huyệt.
Hóa thạch mới được phát hiện xác nhận rằng khủng long có một lỗ huyệt (cloaca) nhưng nó không giống với bất kỳ động vật sống nào khác.
"Nó rất độc đáo. Hầu hết các lỗ huyệt đều tạo thành một loại khe. Đôi khi là một đường xẻ dọc, đôi khi là hình mặt cười, đôi khi lại là khuôn mặt chua chát. Thứ này có cấu trúc hình chữ V không giống với các động vật hiện đại", ông Vinther nói.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology cho biết các thùy lớn, có sắc tố ở hai bên lỗ huyệt có thể chứa các tuyến mùi xạ hương, giống như của loài cá sấu.
Hóa thạch được tìm thấy ở tỉnh Liêu Ninh, miền bắc Trung Quốc và hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Senckenberg ở Frankfurt (Đức).
Theo ông Vinther, ở những loài động vật có lỗ huyệt, bộ phận sinh dục nằm gọn trong cơ thể và không được bảo quản nên không biết con khủng long đặc biệt này là đực hay cái.
Hầu hết các loài chim, một trong số ít họ hàng còn sống của khủng long, giao phối bằng cách ép các lỗ huyệt của chúng lại với nhau. Một số nhà cổ sinh vật học cho rằng khủng long có thể đã giao phối tương tự.