Mới đây, lần đầu tiên các nhà khoa học cho biết họ đã phát hiện ra rằng khủng long bị mắc ung thư xương - một loại ung thư ác tính đối với loài người.
Khi xương chân hoặc xương mác của một con khủng long có sừng thuộc loài Centrosaurus sống cách đây 76 đến 77 triệu năm được khai quật tại Công viên Khủng long ở Alberta, Canada, vào năm 1989, phần cuối của xương hóa thạch ban đầu được cho là vết xương gãy đã lành.
Nhưng một phân tích chi tiết hơn, sử dụng các kỹ thuật y học hiện đại tương tự như chẩn đoán ở bệnh nhân người, tiết lộ rằng dấu vết đó là do bệnh u xương ác tính - căn bệnh ung thư xương thường thấy ở con người.
Tiến sĩ Mark Crowther, giáo sư bệnh lý học và phân tử tại Đại học McMaster cho biết: "Chẩn đoán ung thư xâm lấn như thế này ở khủng long là khó nắm bắt và đòi hỏi phải có chuyên môn y tế và nhiều cấp độ phân tích để xác định chính xác".
"Ở đây, chúng tôi có dấu hiệu không thể nhầm lẫn của bệnh ung thư xương tiến triển ở một con khủng long sừng 76 triệu năm tuổi. Điều này rất thú vị", ông Crowther nói.
Phần xương của con khủng long đã được kiểm tra, đúc và quét CT trước khi một lát xương mỏng được nghiên cứu dưới kính hiển vi. Sau đó, các công cụ tái tạo 3D đã được sử dụng để hình dung sự tiến triển của u xương. Các nhà điều tra cuối cùng đã đi đến chẩn đoán rằng con khủng long đã mắc chứng u xương ác tính.
Kết quả nghiên cứu hóa thạch cho thấy khối u đã tiến triển và có thể đã xâm chiếm các hệ thống cơ thể khác. Tuy nhiên, không rõ con khủng long đã bị giết bởi căn bệnh ung thư hay chết vì nguyên nhân nào khác.
Các nhà khoa học cho biết phần xương ống chân của con khủng long này đã bị tế bào ung thư xâm lấn. Căn bệnh này sẽ có tác động làm tê liệt chủ thể và khiến nó dễ bị tổn thương bởi những kẻ săn mồi vào thời đó.
"Việc con khủng long ăn thực vật này sống trong một đàn lớn có thể đã cho phép nó tồn tại lâu hơn bình thường với một căn bệnh tàn khốc như vậy.", nhóm nghiên cứu chỉ ra.