Giám đốc Trung tâm Festival Huế Huỳnh Tiến Đạt cho biết, trồng và chơi hoa mai không chỉ là thú vui tao nhã của người dân Cố đô Huế mà còn là sự chiêm nghiệm, suy tư và khát vọng được người trồng gửi gắm, đồng thời chứa đựng nhiều giá trị tinh thần gắn liền với những thăng trầm theo suốt cuộc đời của chủ nhân.
Lễ hội hoàng mai Huế 2023 được tổ chức sẽ góp phần quảng bá nghệ thuật trồng và chơi mai kiểng, giới thiệu đặc trưng hiếm có của hoàng mai Huế và khuyến khích phát triển làng nghề, sản xuất, trồng mai. Đây cũng là sân chơi ý nghĩa để các chuyên gia, nghệ nhân, các nhà vườn và những người yêu thích nghệ thuật chơi mai giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về phương pháp trồng, chăm sóc, bảo tồn và phát triển giống cây hoàng mai Huế; xây dựng chỉ dẫn địa lý, tạo thành một thương phẩm độc đáo mang nhiều lợi thế so sánh của vùng đất Cố đô.
Nằm trong khuôn khổ Festival Huế 2023, đây là lần đầu tiên Lễ hội hoàng mai Huế được tổ chức. Dịp này, người dân và du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng gần 400 tác phẩm đặc sắc nhất của các nghệ nhân, nhà vườn là thành viên Hội hoàng mai Huế cũng như các địa phương có phong trào trồng mai phát triển.
Từ ngày 9 - 19/1, lễ hội diễn ra nhiều hoạt động như cuộc thi “Hoàng mai Huế - Tuyệt tác mùa Xuân”; không gian triển lãm, trưng bày hoàng mai; không gian giao lưu, trao đổi và đấu giá.
Trong đó, cuộc thi “Hoàng mai Huế - Tuyệt tác mùa Xuân có sự góp mặt của 114 tác phẩm dự thi, bao gồm mai đại và mai bonsai. Đây là những tác phẩm tinh túy, đặc sắc nhất được các nghệ nhân, nhà vườn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế và các tỉnh, thành phố khác trên cả nước tuyển chọn đem về dự thi. Các tác phẩm đều đang ở thời kỳ đẹp nhất: hoa tươi, nở đúng dịp tranh tài… Ngoài ra, cây có gốc rễ chắc chắn, dáng thế hài hòa, phù hợp với thuyết minh.
Ngoài ra, 122 tác phẩm trưng bày, triển lãm và hàng trăm sảm phẩm thương mại đã tạo nên cảnh sắc rực rỡ cho không gian Lễ hội hoàng mai Huế 2023. Không chỉ được thưởng ngoạn vườn hoàng mai nở rực trước Kinh thành Huế cổ kính, người dân và du khách còn thỏa sức tạo dáng, check-in trong ngập tràn sắc xuân của ngày hội.
Đặc biệt tại Lễ hội, những tác phẩm hoàng mai đẹp nhất được chọn bán đấu giá công khai góp phần thúc đẩy giao thương, tăng hiệu quả kinh tế. Buổi đấu giá hứa hẹn là một trải nghiệm mới lạ và thú vị đối với các tác giả cũng như du khách.
Ông Trần Phước Quý, hội viên Hội hoàng mai Huế cùng các hội viên khác chia sẻ sự vui mừng, hứng thú khi lần đầu tiên Lễ hội hoàng mai Huế được tổ chức. Ông Quý cho hay, tác phẩm hoàng mai đẹp hội tụ những yếu tố “nhất đế, nhì thân, tam cần, tứ giống”. Chơi mai không chỉ trong 1-2 năm mà cả suốt cuộc đời. Giá trị cây mai còn nằm ở sự trân quý của người chơi dành cho nó. Dịp này, ông đem đến Lễ hội 4 tác phẩm dự thi và triển lãm để du khách được chiêm ngưỡng.
Phó Chủ tịch Hội hoàng mai Huế Hoàng Long cho hay, hoàng mai Huế là loài mai có đặc trưng riêng mà không nơi nào có được. Hoa có 5 cánh, mùi thơm dịu, đọt cây màu xanh. Khi Tết đến Xuân về, sau khi hoa nở, cây sẽ có lộc. Những đặc trưng của giống mai này cần được phục hồi và phát triển về sau.
Mai vàng Huế hay còn gọi là hoàng mai Huế có nguồn gen bản địa đặc hữu. Loài hoa này được trồng từ lâu đời ở cung đình, phủ đệ, dinh thự, sân đình, cửa chùa, sân nhà dân... tạo nên vẻ đẹp sang trọng và trở thành một biểu tượng sắc xuân của thiên nhiên Huế, gắn liền đời sống thường nhật của con người Cố đô.
Trải qua biến động của thời cuộc, sự khắc nghiệt của thời tiết cùng đặc tính “đỏng đảnh” của loài cây, số lượng hoàng mai quý hiếm của Huế dần mai một. Đến nay, với quyết tâm khôi phục và phát triển hoàng mai Huế của chính quyền, sự đồng hành hưởng ứng của người dân, một số vườn mai vàng đã được quy hoạch, trồng đúng giống, đem lại kết quả tích cực.
Chuỗi hoạt động của Lễ hội hoàng mai Huế hứa hẹn là sân chơi ý nghĩa giúp khôi phục, phát triển truyền thống trồng mai, chơi mai cảnh của người dân gắn với mô hình "Huế - thành phố bốn mùa hoa"; bảo tồn, lưu giữ, phát triển và hướng đến tạo ra sản phẩm thương mại giống cây hoàng mai Huế ở trong và ngoài nước; nâng cao vị thế của hoàng mai trong dịp Tết cổ truyền, tạo tiền đề tổ chức định kỳ Lễ hội hoàng mai trong những năm tiếp theo.