Trưởng phòng Thương mại và Du lịch thành phố Hội An Lê Văn Bình cho biết: Thành phố Hội An hiện có gần 11.000 phòng từ 1-5 sao; khu nghỉ dưỡng, biệt thự du lịch, homestay. Tuy khách lưu trú chưa nhiều, song phương châm: Du lịch phải cùng lúc thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa đảm bảo an toàn cho du khách, vừa khôi phục kinh doanh đang được hầu hết các cơ sở lưu trú, các loại hình dịch vụ, các điểm đến trên địa bàn thành phố Hội An thực hiện. Điều này cho thấy Hội An đã từng bước khôi phục và lấy lại vị thế là đầu tàu du lịch.
Thành phố Hội An sẽ tiếp tục làm mới sản phẩm hiện có như: Đêm phố cổ, phố không có tiếng động cơ, Hội An show, Đêm Cù Lao, các hoạt động giải trí ban đêm, các chương trình du lịch gắn với nông nghiệp, ngư nghiệp, du lịch văn hóa. Loại hình du lịch này phù hợp với xu thế phát triển du lịch bền vững của thành phố Hội An và các sản phẩm du lịch mới đang được các doanh nghiệp du lịch Hội An hướng đến.
“Sau khi thành phố Hội An được chọn làm điểm nhấn của năm Du lịch quốc gia 2022, việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả nhắm vào thị trường khách chất lượng cao, lưu trú dài ngày, chi tiêu cao là những giải pháp lâu dài để lấy lại đà tăng trưởng du lịch. Mặt khác, các chương trình kích cầu du lịch nội địa như “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, “Quảng Nam - Một điểm đến hai Di sản” gắn với chuỗi liên kết du lịch các tỉnh miền Trung với các trung tâm du lịch lớn trong cả nước là xu thế phát triển đang được thành phố Hội An hướng đến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh chia sẻ.
Phát triển du lịch gắn liền với việc giải quyết hài hòa các vấn đề về môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan, chuyển đổi, phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng bền vững, tạo ấn tượng tốt đối với khách du lịch là mục tiêu đang được Hội An hướng đến.
Điển hình như ở Cù Lao Chàm, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp Phạm Thị Mỹ Hương cho biết: Gắn xây dựng nông thôn mới với hạ tầng du lịch, xã đảo Tân Hiệp đã được đầu tư gần 444 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất và du lịch. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn và hạ tầng du lịch xã đảo không ngừng thay đổi, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách và góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
“Để duy trì sự đa dạng trong khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, bắt đầu từ mùa du lịch biển đảo năm nay, Cù Lao Chàm sẽ sử dụng thẻ điện tử để kiểm soát du khách tham quan nhằm đảm bảo an ninh, môi trường, hạ tầng của xã đảo. Theo đó, trung bình mỗi ngày xã đảo Tân Hiệp sẽ đón khoảng 3.000 người đến tham quan, tắm biển. Thực hiện tốt quy định này, xã đảo Tân Hiệp sẽ góp phần tích cực trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa, quang cảnh thiên nhiên, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch biển đảo Quảng Nam nói chung và thành phố Hội An nói riêng”, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp Phạm Thị Mỹ Hương kỳ vọng.
Kỳ vọng vào sự phục hồi của du lịch Quảng Nam và vai trò dẫn dắt của du lịch Hội An, trong dịp khai mạc Chương trình kích cầu du lịch “Quảng Nam - Cảm xúc mùa hè” vào cuối tháng 5/2022, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch Hà Văn Siêu chia sẻ: Quảng Nam là địa phương có bề dày lịch sử và truyền thống lâu đời, với nhiều tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, văn hóa để phát triển du lịch. Hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn loài và sinh cảnh, hệ thống sông, hồ phong phú...là những tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch Quảng Nam, nhất là “du lịch xanh”.
“Các Lễ hội âm nhạc và ẩm thực biển An Bàng, show diễn thời trang Vùng trời bình yên, Festival tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam, Liên hoan Âm vang cồng chiêng, chương trình du lịch Cù Lao Chàm - Đảo xanh huyền thoại, Festival biển Hội An - Cảm xúc mùa hè” được tổ chức tốt chắc chắn sẽ giúp Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng phục hồi và lấy lại vị thế đầu tàu du lịch của mình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch Hà Văn Siêu kỳ vọng.