Các nghiên cứu khoa học mới nhất đã chỉ ra rằng, trong vòng 50 năm qua, số lượng loài động vật hoang dã trên toàn thế giới đã giảm tới 73%. Nguyên nhân chủ yếu khiến cho các loài vật này "tiến gần hơn tới bờ vực tuyệt chủng" được cho là do con người gây ra.
Theo báo cáo của Sức sống Hành tinh 2024 của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), hơn 95% số lượng động vật hoang dã tại khu vực Mỹ Latin và Caribe đã biến mất. Đây là mức suy giảm cao nhất ghi nhận được từ trước đến nay tại khu vực này. Trong khi đó, con số này tại khu vực Châu Phi, cũng như Châu Á - Thái Bình Dương lần lượt là 76% và 60%.
Tuy nhiên, kể từ năm 1970, khu vực Châu Âu và Bắc Mỹ ghi nhận mức suy giảm tương đối thấp với 35% và 39% tại từng khu vực. Các nhà khoa học cho rằng tỷ lệ này thấp hơn đáng kể do trước năm 1970, số lượng động vật hoang dã tại đây đã từng sụt giảm một cách trầm trọng, giống như những gì đang diễn ra ở các khu vực khác thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, sự suy giảm này được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tương lai, do hiện tượng nóng lên toàn cầu, cũng như những hậu quả nghiêm trọng khác khi rừng nhiệt đới Amazon, vùng Bắc Cực và hệ sinh thái biển chạm "điểm tới hạn".
“Nhân loại đang đứng trước ngưỡng cửa nguy hiểm hơn bao giờ hết khi môi trường sống bị đe doạ và tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn. Thế nhưng, thiên nhiên vẫn cho chúng ta cơ hội, và cần phải hành động ngay lập tức”, ông Matthew Gould, Giám đốc điều hành Hội Động vật học London nhấn mạnh.
Các chỉ số từ bản báo cáo bao gồm 35.000 quần thể của 5.495 loài động vật trên khắp thế giới. Những số liệu này đã trở thành một trong những chỉ số toàn cầu về quần thể động vật hoang dã. Dù từng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều rằng mức độ suy giảm động vật hoang dã đã bị phóng đại, nhưng những chỉ số này lại rất được đánh giá cao ở khu vực Châu Phi và Mỹ Latin.
“Các chỉ số trong báo cáo Sức sống Hành tinh có thể chưa hoàn toàn chính xác. Nhưng cho đến khi có những phương pháp xác định mức độ đa dạng sinh học toàn cầu hiệu quả hơn, những chỉ số này là hoàn toàn cần thiết", bà Hannah Wauchope, chuyên gia ngành sinh thái học tại Đại học Edinburgh chỉ rõ. "Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng chừng nào môi trường sống và sự đa dạng sinh học còn bị đe doạ, quần thể động vật hoang dã vẫn sẽ tiếp tục bị suy giảm".
Sách đỏ IUCN, danh sách toàn diện nhất về tình trạng của hơn 160.000 loài động vật và thực vật, đã phát hiện gần ⅓ số loài đang trên bờ vực tuyệt chủng. Trong đó, 41% thuộc loài động vật lưỡng cư, 26% động vật có vú và 34% cây lá kim đang ở tình trạng đáng báo động. Dữ liệu này được công bố ngay trước thềm Hội nghị Liên hợp quốc về đa dạng sinh học lần thứ 16 sắp diễn ra tại thành phố Cali, Colombia, nơi các quốc gia sẽ lần đầu thảo luận về vấn đề này kể từ khi ký kết những mục tiêu nhằm ngăn chặn những mối đe dọa ảnh hưởng đến sự sống trên Trái Đất.
“Chúng ta cần lắng nghe tiếng nói của khoa học, đồng thời đưa ra những hành động cụ thể nhằm ngăn chặn tốc độ suy giảm",Bộ trưởng Bộ Môi trường Colombia Susana Muhamad, kiêm Chủ tịch Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 16, nhấn mạnh.
Bà cho biết thêm: “Chúng ta đang đi gần tới ngưỡng giới hạn và không thể đảo ngược được ảnh hưởng của những mối đe dọa lên các hệ thống hỗ trợ sự sống toàn cầu. Thế giới đang chứng kiến những hậu quả trầm trọng của nạn phá rừng, biến đổi hệ sinh thái toàn cầu, tàn phá đất đai và biến đổi khí hậu. Nhiều rạn san hô đã bị tẩy trắng, các khu rừng nhiệt đới đang dần bị phá huỷ, các tảng băng trôi tan chảy, cũng như những sự thay đổi của vòng tuần hoàn nước, một trong những nền tảng của sự sống trên hành tinh chúng ta”.
Chuyển mục đích sử dụng đất chính là nhân tố quan trọng nhất gây nên sự suy giảm về số lượng động vật hoang dã bởi các vùng đất nông nghiệp được nới rộng ra thường kéo theo việc phải đánh đổi các khu rừng nhiệt đới.
“Các số liệu cho thấy sự sụt giảm bắt nguồn một phần từ sự suy thoái hệ sinh thái tự nhiên. Chúng là hình ảnh trực quan về những thay đổi sâu sắc trong hệ sinh thái tự nhiên. Chúng đang dần mất đi khả năng tự phục hồi đối với những tổn thương và thay đổi bên ngoài. Thế giới đang phải đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề về khí hậu, cũng như hệ sinh thái vốn đã suy thoái một cách trầm trọng từ lâu”, ông Mike Barrett, Giám đốc khoa học và bảo tồn WWF cho biết.