Truyền thông Anh ngày 16-1 dùng nhiều lời lẽ cay đắng như "nỗi nhục nhã trọn vẹn" hoặc "cơn ác mộng" để nói về kết quả thảm bại của Thủ tướng Theresa May trong cuộc bỏ phiếu tại hạ viện đối với thỏa thuận rời Liên minh châu Âu - EU (hay còn gọi là Brexit).
Sau 200 bài phát biểu ròng rã suốt 8 ngày tranh luận tại hạ viện, các nhà lập pháp Anh hôm 15-1 đã bỏ ngoài tai những khẩn cầu bức thiết của Thủ tướng May về việc ủng hộ kế hoạch Brexit của bà. 432 nghị sĩ phản đối trong khi chỉ có 202 người ủng hộ thỏa thuận "ly hôn" mà bà May đã đạt được với Brussels. Cách biệt 230 phiếu là mức chưa từng có trong hơn một thế kỷ qua tại nghị viện Anh.
Cuộc bỏ phiếu về cơ bản đã "khai tử thỏa thuận Brexit" này, theo chuyên gia Anand Menon tại Trường ĐH King’s London (Anh), và đẩy tiến trình dứt áo khỏi EU của Anh vào hỗn loạn. Không chỉ vậy, nó còn dẫn tới cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong chính phủ của bà May trong ngày 16-1, do lãnh đạo Công Đảng đối lập Jeremy Corbyn kêu gọi.
Lần gần nhất sự kiện tương tự xảy ra trên chính trường Anh là cách đây 26 năm, cũng trong giai đoạn quan hệ giữa Anh và châu Âu gặp sóng gió. Lúc đó chính phủ Thủ tướng John Major đã "sống sót" với 339 phiếu thuận/299 phiếu chống.
Luật Nghị viện có thời hạn năm 2011 của Anh quy định một khi chính phủ thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, quy trình 14 ngày sẽ được kích hoạt và có thể dẫn đến cuộc tổng tuyển cử mới để chọn ra thủ tướng tiếp theo. Trong khoảng thời gian đó, nếu chính phủ tại nhiệm hay bất cứ chính phủ thay thế nào không giành được phần thắng trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mới thì tổng tuyển cử sớm sẽ diễn ra.
Bà May từng vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nội bộ Đảng Bảo thủ hôm 12-12-2018 và giới chuyên gia dự đoán bà không khó vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lần này để giữ ghế thủ tướng.
Nữ lãnh đạo Anh nói rằng một khi chính phủ sống sót trong cuộc bỏ phiếu, bà sẽ đi theo tiến trình 2 giai đoạn để phá vỡ sự bế tắc của Brexit. Đầu tiên, bà sẽ thực hiện các cuộc đàm phán giữa các đảng nhằm tìm ra một hướng đi. Tiếp đó, nếu đạt được đồng thuận, bà sẽ trình kế hoạch sửa đổi lên EU. Tuy nhiên, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Nathalie Loiseau hôm 16-1 nói rằng các quốc gia EU coi thỏa thuận hiện tại là "duy nhất có thể" và sẽ không xem xét lại. Trong khi đó, thời gian không còn nhiều bởi hạn chót nước Anh rời khỏi EU là vào ngày 29-3 dù có đạt được thỏa thuận hay không.
Trong trường hợp không có thỏa thuận nào được thông qua trước hạn chót, nước Anh sẽ đối mặt với kịch bản tồi tệ nhất về Brexit vì nó có nguy cơ đẩy nền kinh tế số 5 thế giới vào tình trạng suy thoái và kéo ghì tăng trưởng kinh tế của cả EU.
Tuy nhiên, đây là kịch bản khó tránh nếu nghị viện Anh tiếp tục bỏ phiếu chống lại thỏa thuận Brexit và không đưa ra được giải pháp nào khác kịp thời. Thỏa thuận mà Thủ tướng May đã đạt được với giới chức EU cho phép duy trì các quy tắc thương mại giữa Anh với thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này trong giai đoạn chuyển giao đến cuối năm 2020.
Hiện nổi lên một số suy đoán ở London và Brussels cho rằng bà May có thể tìm cách trì hoãn Brexit để tránh kịch bản đau đớn nhất. Một khả năng khác là London sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nữa về Brexit.
Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đặt ra rằng liệu điều này có dân chủ hay không. Kết quả bỏ phiếu mới có thể cũng tiếp tục phản ánh sự chia rẽ. Bà May đã cảnh báo một cuộc trưng cầu dân ý nữa "sẽ gây ra những tổn hại không thể bù đắp đối với sự liêm chính của nền chính trị".