Các khu này là một trong những biện pháp chống dịch gây nhiều tranh cãi của Hong Kong, bên cạnh thời gian yêu cầu đeo khẩu trang lâu nhất thế giới và thời gian cách ly bắt buộc tại khách sạn lên đến ba tuần.
Quá trình xây dựng nhanh và tốn kém của các khu trại này đã đi ngược với quan điểm cho rằng vấn đề nhà ở tại Hong Kong là không thể giải quyết được.
Giới chức Hong Kong không công khai chi phí xây dựng các cơ sở cách ly này, nhưng tổng số tiền chi cho đại dịch trong ba năm qua của thành phố này đã lên đến 76 tỷ USD, theo Cơ quan phụ trách tài chính của Hong Kong.
Các chương trình nhà ở xã hội thường kéo dài nhiều năm do những rắc rối trong thủ tục hành chính, nhưng khi xây dựng các khu trại cách ly, chính quyền Hong Kong đã nhanh chóng “tìm được” khoảng 80 ha đất và xây 40.000 phòng cách ly lắp ghép chỉ trong vài tháng.
Ông Brian Wong, chuyên gia của công ty nghiên cứu Liber Research Community, là một trong những người đặt ra câu hỏi tại sao chính quyền Hong Kong không thể áp dụng phương pháp nhanh chóng một cách đơn giản như vậy và bỏ qua các thủ tục hành chính rườm rà để giải quyết cái mà chính họ đã thừa nhận là cuộc khủng hoảng nhà ở nghiêm trọng.
Ông xem các khu bỏ trống này là phép thử quyết tâm hành động của chính quyền Hong Kong và kêu gọi chuyển đổi mục đích sử dụng các khu trại này thành nhà ở xã hội.
Có diện tích khoảng gần 20 m2, mỗi phòng cách ly có một nhà vệ sinh đơn giản, chỗ tắm và giường ngủ, một số phòng có cả bếp.
Dù đơn sơ như vậy, nhưng nhiều người cho rằng chúng vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu cơ bản của một người và là một giải pháp tốt tạm thời đối với những người không có khả năng chi trả tiền thuê nhà quá cao ở thành phố này.
Tại Hong Kong, theo số liệu của công ty bất động sản Centaline, một căn hộ rộng gần 20 m2 gần đây có thể được bán với giá 445.000 USD.
Ngoài ra, còn có nhiều ý tưởng sáng tạo khác về cách tận dụng các khu cách ly này. Có thời điểm, một số căn ở khu Penny’s Bay tại Hong Kong đã được dùng để tổ chức kỳ thi đầu vào đại học cho những học sinh tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19. Hay khu này cũng đã từng được sử dụng làm một điểm bỏ phiếu bầu cử nhỏ.
Một nhóm các kiến trúc sư còn kêu gọi chuyển khu trại Penny’s Bay thành một trung tâm chăm sóc sức khỏe tạm thời, cho rằng phương án này chỉ cần thiết kế lại một chút và giới chức Hong Kong vẫn có thể sử dụng làm nơi cách ly trở lại nếu dịch bệnh tái bùng phát.
Liệu chính quyền Hong Kong có lựa chọn một trong các kiến nghị nói trên hay không vẫn là một câu hỏi còn chờ lời đáp.
Một người phát ngôn của chính quyền trả lời hãng tin CNN rằng: “Cần có những phân tích và nghiên cứu chi tiết với các cơ quan có liên quan trong chính quyền. Các kế hoạch và sắp xếp trong tương lai sẽ được công bố khi có quyết định”./.