Tôi quen nhà báo Hạnh Chi trước khi biết họa sĩ Đặng Dương. Lần đầu gặp họa sĩ Đặng Dương khi anh cầm lái xe máy chở Hạnh Chi ngồi sau. Hạnh Chi giới thiệu: “Đây là ông xã của chị”. Sau này anh em gặp nhau nhiều hơn, mới biết thêm anh chơi nhạc và vẽ tranh. Nhạc anh chơi thì tôi đã được nghe vài lần trong các cuộc bù khú với anh em bè bạn. Còn tranh của anh thì tôi chưa thấy bao giờ vì anh chưa từng triển lãm cá nhân.
![]() |
Từ phải qua: họa sĩ Siu Quý - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, ông Nguyễn Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TPHCM, họa sĩ Đặng Dương và ông Trần Minh Công - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cắt băng khai mạc triển lãm “Huyền nhiệm Thập giá. Khi người bệnh vẽ" |
Phải gần 10 năm tôi không gặp lại nhà báo Hạnh Chi ngồi sau lưng ông chồng Đặng Dương nữa. Cho đến sáng nay, chị Hạnh Chi mới kể về bệnh tình của anh: “Chị gần như giải nghệ, không đi đâu được. Anh Dương bệnh quá, chị ở nhà chăm sóc anh”.
Lần triển lãm này của họa sĩ Đặng Dương trưng bày khoảng 30 tác phẩm được anh vẽ trong hai năm 2023 và 2024. Như tên gọi “Huyền nhiệm Thập giá”, tất cả các bức tranh đều được anh vẽ và đặt tên “Thập giá”.
![]() |
Nhà nghiên cứu, giám tuyển Lý Đợi (bên phải) và nhà nghiên cứu Đặng Thân đang xem tranh “Huyền nhiệm Thập giá. Khi người bệnh vẽ" |
Cơ duyên để Đặng Dương vẽ loạt tranh này, theo anh kể trong hơi thở đứt quãng: “Lần nhập viện đó trong lúc hôn mê, tôi quơ chân làm đổ bình nước ướt hết tấm nệm. Tỉnh dậy, tôi nhủ thầm: “mình vô dụng thật rồi”. Nhưng sau định thần nhìn lại, nhìn vết nước loang trên nệm, tôi thấy mình cần làm điều gì đó để mỗi giây phút còn sống thêm ý nghĩa”.
Là một người công giáo, họa sĩ Đặng Dương đã khởi đầu vẽ “Huyền nhiệm Thập giá” như thế, vẽ say sưa đến độ quên luôn rằng bản thân đang ngủ và cũng có thể đang hôn mê bên giá vẽ. Lần gần đây nhất, bác sĩ cho biết bệnh của anh ngày càng xấu hơn. Đặng Dương chạy thận nhiều năm nay, giờ bệnh đã di căn sang gan.
![]() |
Tác phẩm tại triểm lãm “Huyền nhiệm Thập giá. Khi người bệnh vẽ" |
Anh muốn làm một cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên và có lẽ cuối cùng của đời mình. Khi sức khỏe và tài chính không cho phép anh tự tổ chức triển lãm, thì Đặng Dương được nhiều người giúp sức lo giấy phép, địa điểm để anh đạt ước nguyện.
Về triển lãm lần này, nhà nghiên cứu Đặng Thân từ Hà Nội vào chung vui với Đặng Dương và đánh giá: “Loạt tranh này của Pamus Dương mang một nét riêng biệt hiển thị: Sự kết hợp giữa biểu tượng tôn giáo và cảm thức bệnh lý trong một không gian mơ hồ, nơi Thập giá không chỉ là biểu tượng thiêng liêng mà còn là “vết rạch” xuyên qua thực tại và nội tâm. Màu sắc trong tranh thường đơn sắc, tông trầm ấm hoặc lạnh rực, gợi cảm giác vừa thiêng liêng vừa nghẹt thở, như trong một giấc mơ giữa nhà nguyện và nhà xác. Các nhân vật như không có mặt, không có chi tiết cá nhân, khiến tranh có chất hiện sinh siêu thực. Họ thường nằm trong hòm, quỳ lặng lẽ, hoặc hướng về Thập giá — như một hành trình mộng du giữa sự sống và phục sinh. Bố cục trong tranh tuy tưởng như tĩnh nhưng luôn có một lực ngầm đẩy ánh-sáng-thánh ra khỏi hoặc vào trong con người”.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật, giám tuyển Lý Đợi cho biết sẽ tổ chức đấu giá toàn bộ tranh trong triển lãm này, rất mong họa sĩ Đặng Dương còn có mặt để chứng kiến tác phẩm của mình được sưu tập.
Một vài tác phẩm trong triển lãm được đặt cùng tên Thập giá
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |