Người phát ngôn IMF Julie Kozack nhấn mạnh Chính phủ Argentina “cần phải làm việc một cách thực tế, xây dựng sự ủng hộ chính trị và xã hội để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát, cắt giảm thâm hụt ngân sách, thực hiện cải cách một cách hiệu quả và bền vững”.
Bà Kozack đánh giá tích cực chương trình kinh tế của Tổng thống Milei, tuy nhiên cho rằng Argentina cần “tiếp tục cải thiện chất lượng điều chỉnh tài khóa, đồng thời chính sách tiền tệ cũng sẽ phải thích ứng với quá trình chuyển đổi này”. Đại diện IMF đánh giá cao kế hoạch “đầy tham vọng” của Chính phủ Argentina nhằm khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô”, cũng như những kết quả tích cực ban đầu của Tổng thống Milei, bao gồm dự trữ ngoại tệ tăng, lạm phát giảm “nhanh hơn dự báo” và trong 2 tháng đầu năm nay, lần đầu tiên trong một thập kỷ, nước này đạt thặng dư ngân sách.
Bà Kozack cũng bác bỏ việc IMF đang đàm phán với Argentina về một thỏa thuận đáo nợ mới và khẳng định tổ chức tài chính này sẽ ủng hộ những nỗ lực của Chính phủ Tổng thống Milei nhằm bình ổn kinh tế, đồng thời xây dựng nền tảng để nước Nam Mỹ phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, đại diện của IMF cũng thừa nhận nhiệm vụ bình ổn nền kinh tế Argentina không hề đơn giản.
Kể từ khi Tổng thống Milei nhậm chức vào tháng 12 năm ngoái, IMF luôn bày tỏ ủng hộ chính sách cắt giảm thâm hụt ngân sách của ông này, tuy nhiên cũng cảnh báo Buenos Aires cần quan tâm tới những người dễ bị tổn thương trong xã hội khi điều chỉnh các chính sách kinh tế. Ngày 1/2 vừa qua, IMF đã đồng ý giải ngân thêm 4,7 tỷ USD cho Argentina nhằm hỗ trợ quốc gia Nam Mỹ này giảm thiểu khó khăn về tài chính, đặc biệt là tình trạng dự trữ ngoại hối khan hiếm
Trong nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách, trong 3 tháng đầu năm nay, Chính phủ Argentina đã sa thải 50.000 người lao động làm việc trong khu vực nhà nước và khẳng định sẽ tiếp tục cắt giảm 70.000 người nữa trong tháng 4. Theo thống kê tới cuối năm 2023, Argentina có gần 334.000 lao động thuộc khối nhà nước, trong đó có hơn 224.000 người trong khối hành chính công và gần 110.000 người thuộc các công ty và doanh nghiệp nhà nước.
Chính phủ cũng loại bỏ chính sách trợ giá xăng dầu, giao thông công cộng, y tế, thực phẩm; cắt giảm đáng kể ngân sách trung ương chi cho các địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và xây dựng cơ sở hạ tầng. Các chính sách “thắt lưng buộc bụng” của Chính phủ khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Các cuộc biểu tình, đình công và tổng đình công diễn ra liên tục từ tháng 12 tới nay.