Indonesia sợ núi lửa Anak Krakatoa đổ sụp, gây thêm sóng thần

Giới khoa học cảnh báo tình hình mưa lớn những ngày qua có thể gây ra hiện tượng sạt lở, khiến một phần núi lửa Anak Krakatoa đổ sụp xuống biển và tạo ra một đợt sóng thần mới.

Tình hình thời tiết cực đoan tại khu vực núi lửa Anak Krakatoa, nằm trên eo biển Sunda của Indonesia, có thể dẫn đến một đợt sóng thần mới với sức tàn phá lớn, theo Kyodo.

Những hoạt động địa chất của núi lửa Anak Krakatoa cuối tuần qua, kết hợp với hiện tượng nước biển dâng cao do trăng tròn, được cho là nguyên nhân gây nên đợt sóng thần tối 22/12, tàn phá nhiều bờ biển hai đảo Java và Sumatra.

Ít nhất 429 nạn nhân được xác nhận thiệt mạng, 154 trường hợp trong diện mất tích và hơn 1.400 người bị thương sau thảm họa.

Indonesia sợ núi lửa Anak Krakatoa đổ sụp, gây thêm sóng thần ảnh 1

Núi lửa Anak Krakatoa đã hoạt động trở lại từ tháng 6/2018 với nhiều đợt phun trào. Ảnh: AP.

Sườn núi lửa Anak Krakatoa có nguy cơ sụp đổ

"Chúng tôi tiếp tục giám sát những cơn địa chấn được ghi nhận tại núi lửa Anak Krakatoa, xem xét tình hình khí hậu cực đoan và những đợt sóng cao thời gian qua", bà Dwikorita Karnawati, lãnh đạo Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG), trả lời họp báo khuya 25/12.

"Các yếu tố này có thể đánh sụp sườn núi, giải phóng khối lượng đất đá xuống biển và kích hoạt một đợt sóng thần mới", bà cảnh báo.

Mưa lớn tại eo biển Sunda và khu vực núi lửa Anak Krakatoa kéo dài đến trưa 26/12. Bà Karnawati lo lắng hiện tượng xói mòn do mưa lớn sẽ gây ra sạt lở bất ngờ và những hậu họa khôn lường.

"Vách miệng núi lửa đã bị bào mòn và có nguy cơ vỡ, đặc biệt với lượng mưa đổ xuống những ngày qua", bà cho biết.

Giới chức Indonesia kêu gọi người dân trong khu vực đề cao cảnh giác. Bà Karnawati cho rằng người dân cần "tránh xa khu vực bờ biển từ 500 m đến 1 km".

"Chúng tôi đã phát triển một hệ thống giám sát tập trung vào các chấn động tại núi lửa Anak Krakatoa để hỗ trợ cảnh báo sóng thần", lãnh đạo BMKG cho biết, nhấn mạnh đã thiết lập một vùng cấm với bán kính 2 km quanh miệng núi lửa, theo Reuters.

Indonesia sợ núi lửa Anak Krakatoa đổ sụp, gây thêm sóng thần ảnh 2

Ít nhất 429 nạn nhân được xác nhận thiệt mạng trong thảm họa sóng thần tại eo biển Sunda, Indonesia. Ảnh: AP.

Sóng thần cao 5 m "san bằng" Pandeglang

Người phát ngôn Ủy ban Phòng chống Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNPB), ông Sutopo Purwo Nugroho, ngày 25/12 cho biết các nỗ lực tìm kiếm nạn nhân và người sống sót sau thảm họa sóng thần Sunda đang được mở rộng đến những vùng bị cô lập.

"Số thương vong có khả năng tiếp tục tăng. Vẫn còn nhiều vùng lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận vì cầu đường bị hư hại nghiêm trọng", ông cho biết. 

Theo thống kê của BNPB, hơn 16.000 người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy.

Ông Sutopo cũng cập nhật lời kể của các nhân chứng thảm họa và phân tích chuyên sâu về đợt sóng thần đêm 22/12. Theo đó, những cơn sóng đánh vào bờ biển các vùng Pandeglang và Serang, thuộc tỉnh Banten phía tây đảo Java, có chiều cao 2-5 m. Thông tin ban đầu cho biết sóng thần chỉ cao trung bình 1 m, theo AFP.

"Điều này lý giải vì sao phần lớn khách sạn và nhà cửa (tại vùng Pandeglang) bị sóng đánh sập. Nếu sóng chỉ cao 1-3 m, vùng này sẽ không bị san bằng như chúng ta đã thấy", ông Sutopo trả lời họp báo, bổ sung rằng có thể còn nhiều nạn nhân bị chôn vùi dưới những đống đổ nát.

"Chúng tôi cần thêm máy móc hạng nặng để tìm kiếm nạn nhân sóng thần", ông nhấn mạnh.

Tại những khu vực máy móc hạng nặng chưa được chuyển đến do đường sá bị phá hủy, lực lượng cứu hộ phải tận dụng mọi công cụ, thậm chí dùng tay không, để dọn dẹp các đống đổ nát dưới trời mưa nặng hạt.

"Nước đêm qua lại dâng cao. Một số nạn nhân có thể đã bị cuốn trôi ngược ra biển vào sáng nay. Chúng tôi cũng có thể bị cuốn ra biển nếu không đề cao cảnh giác và làm việc cẩn trọng", Prayoga, một tình nguyện viên 21 tuổi đang tham gia chiến dịch cứu hộ vùng Serang, cho biết.

Theo thống kê của BNPB, các phòng khách sạn ở vùng duyên hải từ Serang đến Pandegland đã được đặt kín vào ngày sóng thần ập đến. Thời điểm này là mùa du lịch tại Indonesia nhân dịp lễ Giáng sinh và đón năm mới 2019. 

Đây là đợt sóng thần có số người tử vong cao thứ hai tại Indonesia trong năm 2018. Thảm họa kép động đất, sóng thần vào tháng 9 tại đảo Sulawesi khiến ít nhất 832 người thiệt mạng, đa số nạn nhân sống tại thành phố Palu.

Indonesia sợ núi lửa Anak Krakatoa đổ sụp, gây thêm sóng thần ảnh 3

Sóng thần ập vào tỉnh Banten, phía tây đảo Java, được ước tính cao từ 2 - 5 m. Ảnh: Reuters.

Bất ngờ trước hiện tượng sóng thần do núi lửa

BMKG đã xác nhận sóng thần đêm 22/12 được gây nên bởi hiện tượng lở đất dưới đáy biển, sau khi một phần núi lửa Anak Krakatoa đổ sụp vì những hoạt động địa chất từ tháng 6 đến nay.

Indonesia có vận hành hệ thống cảnh báo sớm sóng thần gây nên bởi động đất. Tuy nhiên, nước này không có hệ thống cảnh báo đối với những trường hợp sóng thần gây ra bởi phun trào núi lửa. Bên cạnh đó, mạng lưới phao cảnh báo sóng thần của nước này đã không còn hoạt động từ năm 2012 do tình trạng phá hoại trên biển và thiếu ngân sách bảo trì.

"Không ai ngờ rằng vụ phun trào núi lửa Anak Krakatoa có thể gây ra lở đất dưới đáy biển và kích hoạt sóng thần. Đây cũng không phải đợt phun trào lớn nhất của ngọn núi lửa", ông Sutopo giải thích. 

Anak Krakatoa đã có hai đợt phun trào vào tháng 10 và tháng 11. Hoạt động địa chất khi đó đều mạnh hơn đợt phun trào đêm 22/12. Tần suất địa chấn do hoạt động của núi lửa cũng không lớn.

"Trong tương lai, chúng tôi cần phát triển thêm hệ thống cảnh báo sớm đối với những đợt địa chấn núi lửa. Đất nước có 127 núi lửa đang trong trạng thái hoạt động, chiếm 13% núi lửa đang hoạt động trên toàn thế giới", ông nhấn mạnh.

Junaedi, 32 tuổi, một người sống sót sau thảm họa sóng thần Sunda, chia sẻ anh không muốn quay lại vùng duyên hải để sinh sống. Junaedi nói sẽ bỏ làng đi biệt xứ.

"Đêm đó trời rất trong, trăng sáng, không giọt mưa nào. Thời tiết vô cùng lý tưởng. Rồi bỗng dưng sóng thần ập đến mà không có một tín hiệu cảnh báo", anh kể lại.

Indonesia sợ núi lửa Anak Krakatoa đổ sụp, gây thêm sóng thần ảnh 4

Sutopo Purwo Nugroho, người phát ngôn Ủy ban Phòng chống Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNPB), trả lời họp báo ngày 25/12. Ảnh: Reuters.

Với vị trí địa lý đặc biệt - nằm trên "vành đai lửa" của Thái Bình Dương, Indonesia từng hứng chịu nhiều thiên tai như động đất, núi lửa và sóng thần trong lịch sử. Anak Krakatoa là một núi lửa nhỏ hình thành cách đây gần một thế kỷ, sau đợt phun trào kinh hoàng của núi lửa "mẹ" Krakatoa vào năm 1883.

Cơ quan chức năng Indonesia ban đầu không phát cảnh báo sóng thần khi nhận thông tin về vụ việc đêm 22/12. Thay vào đó, họ chỉ khẳng định đó là hiện tượng triều cường và đề nghị người dân không hoảng loạn.

Ông Sutopo ngày 23/12 thừa nhận thông báo bị nhầm lẫn vì cơ quan địa chất không phát hiện động đất và nỗ lực xác định sớm nguy cơ sóng thần gặp nhiều khó khăn.

Theo Zing
TIN LIÊN QUAN
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
(Ngày Nay) - Những bức tranh dân gian Hàng Trống với nội dung thể hiện các tích truyện dân gian, được các nghệ nhân khắc họa cầu kỳ, tinh xảo, toát lên nét sinh động, ý nhị, trở thành nét tinh hóa văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ.
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
(Ngày Nay) - Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
(Ngày Nay) - Ngày 28/3, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã bị kết án 25 tù vì tội lừa đảo khách hàng và các nhà đầu tư trên nền tảng giao dịch tiền ảo này.
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
(Ngày Nay) - Trước thềm mùa du lịch biển, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Seoul chìm trong bụi mịn
Seoul chìm trong bụi mịn
(Ngày Nay) - Cảnh báo bụi mịn đã được ban bố ở hầu hết các khu vực thuộc tỉnh Gyeonggy và thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong sáng 29/3.
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
(Ngày Nay) - Nếu áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu sẽ khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm và vô hình chung sẽ tạo ra thế độc quyền cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Khi đó, các doanh nghiệp trong ngành tôn mạ và ống thép sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và trên hết là người tiêu dùng cũng sẽ phải sử dụng thép nội giá cao.
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
(Ngày Nay) - Chiến dịch vận động tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận được cú hích nhờ sự hỗ trợ của hai người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama.