Các học giả Singapore cho rằng vụ đánh bom hôm 14/01 vừa qua tại Jakarta chính là “phát súng khai hỏa” cho kế hoạch mở “chi nhánh khủng bố” tại châu Á trong năm 2016 của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Philippines và Indonesia là mục tiêu mà tổ chức này muốn nhắm đến.
Thời gian gần đây Đông Nam Á đã nổi lên như một khu vực tuyển mộ thành viên quan trọng đối với IS, với hơn 500 người Indonesia và hàng chục người Malaysia đã tham gia vào đội quân của tổ chức IS có tên gọi Malay Archipelago Combat Unit.
Theo báo cáo hồi đầu tuần mới cho biết , hai kẻ có quốc tịch Malaysia từ đơn vị này đã tổ chức đánh bom tự sát tại Syria và Iraq khoảng hai tuần trước và gây nên cái chết của hơn 30 người.
Trước đó các nhà lãnh đạo và các chuyên gia cũng đã được cảnh báo rằng, IS trong tương lai gần có thể đạt được một chỗ đứng vững chắc trong lãnh thổ châu Á hoặc ít nhất là thiết lập một sự hiện diện vệ tinh trong khu vực Đông Nam Á.
IS đang vươn vòi bạch tuộc tới châu Á bằng động thái đầu tiên tại Jakarta.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á vào năm ngoái, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long lên tiếng cảnh báo, IS có thể "thiết lập một căn cứ ở đâu đó trong khu vực" và biến một khu vực địa lý dưới sự kiểm soát của tổ chức này giống như ở Syria và Iraq.
Chỉ trước cuộc đánh bom ở Jakarta một ngày, chuyên gia khủng bố Rohan Gunaratna đến từ Đại học Nanyang, Singapore đã bày tỏ quan điểm trên tờ The Straits Times rằng IS có thể sẽ lập ra ít nhất một “chi nhánh vệ tinh” tại khu vực Đông Nam Á trong năm nay.
Hai đất nước được nhắm đến có thể là Philippines hoặc Indonesia. Điều này đươc cho là sẽ gây ra những hậu quả đáng báo động cho khu vực.
"Mục tiêu của IS được xác định là sẽ chiếm đóng ít nhất là một tỉnh ở châu Á trong năm 2016" Ông Gunaratna quan ngại.
Theo ông Gunaratna lập luận, ứng cử viên lớn nhất mà IS muốn nhắm tới chính là Philippines. Đất nước này đã từng là nơi hoành hành của rất nhiều kẻ khủng bố từ trước đến nay, đặc biệt được biết đến nhiều nhất là tổ chức được coi là “chi nhánh Al-Qaeda khu vực Đông Nam Á” dưới tên gọi Jemaah Islamiyah (Tổ chức Hồi giáo).
Chuyên gia khủng bố Rohan Gunaratna.
Một số nhóm khủng bố nhỏ lẻ ở đất nước này đã cam kết trung thành với IS và tự bổ nhiệm Abu Bakr al-Baghdadi, Ahlus Shura và Isnilon Hapilon - thủ lĩnh của nhóm Abu Sayyaf ở tỉnh Basilan - như các nhà lãnh đạo tổng thể của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo ở Philippines.
Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, dưới sự bảo trợ của IS, nhóm này đã tuyên bố thành lập một trại khủng bố ở quần đảo Sulu nằm giữa Phillipines và Malaysia.
Theo giáo sư Gunaratna lập luận, hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc nếu IS thành công trong việc tạo ra một nơi trú ẩn an toàn trong Basilan và gắn kết các hoạt động từ quần đảo Sulu.
Ngoài ra, các trại huấn luyện tân binh ở khu vực này sẽ thu hút những kẻ cực đoan đến từ các nước láng giềng châu Á bao gồm Malaysia, Australia và ngay cả Trung Quốc.
Ông lập luận rằng "rất có thể" IS sẽ cử các chuyên gia chất nổ, chuyên gia chiến đấu tới đây để thực thi, hướng dẫn những tân binh theo đúng “phong cách” Hồi giáo thông qua các hành động chặt đầu, giết người hàng loạt và các cuộc tấn công liều chết.
Theo giáo sư Gunaratnam, Philippines ngay từ lúc này cần có những bước đi chiến lược cần thiết trong việc triển khai quân đội để thực thi sức mạnh trong khu vực Sulu, Basilan và Tawi-Tawi, cũng như có các động thái trấn an tinh thần của những người Hồi giáo để giảm thiểu khả năng tìm đến IS của họ.
Indonesia thắt chặt an ninh hơn trong những ngày tới.
Bên cạnh Phillipines, Indonesia cũng đang nằm trong tình trạng đáng lo ngại. Thực tế, chỉ mới tháng trước, chưởng lý George Brandis của Úc cảnh báo rằng ISIS đã xác định Indonesia là một địa điểm dành cho một “đế chế Hồi giáo mới”.
Sau cuộc tấn công ngày 14/01 vừa qua, quân đội Indonesia cũng đã lên tiếng xác nhận IS đang muốn thiết lập “chi nhánh” khủng bố ở miền đông Indonesia.
Trong những động thái mới nhất, cảnh sát Indonesia cho biết lực lượng của họ đang tiến hành truy lùng tại Poso và các khu vực xung quanh để tìm Abu Wardah kẻ được cho là được IS chống lưng ở Indonesia.
Ở những nơi khác, lực lượng an ninh Indonesia cũng đã thực hiện vụ bắt giữ những đối tượng quan trọng để ngăn chặn các kế hoạch tấn công có thể xảy ra trong vài ngày tới dưới sự giúp sức của Cục Điều tra Liên bang Mỹ, Cảnh sát Liên bang Úc và chính quyền Singapore.
Với sự vươn xa của “vòi bạch tuộc” IS đến tận châu Á, các chuyên gia và các nhà lãnh đạo lo ngại an ninh khu vực trong thời gian tới sẽ không còn khả năng ổn định như trước.
Mạnh Kiên