Một cuộc hội thảo cuối tuần qua tại thủ đô Jakarta đã gọi gánh nặng công việc khiến các nhân viên bầu cử Indonesia tử vong là "kẻ giết người thầm lặng". Tính đến chiều qua, hơn 304 nhân viên bầu cử tử vong và hơn 2.200 người khác nhập viện trong tình trạng kiệt sức khi làm nhiệm vụ bầu cử.
Có thể nói, cuộc bầu cử Indonesia 2019 được gọi là cuộc bầu cử tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước này khi số nhân viên bầu cử tử vong và nhập viện ngày một tăng. Ngày 29/4, ông Ari Fahdial Syam, Trưởng khoa Y, Đại học Indonesia đã có buổi làm việc với Ủy ban bầu cử Quốc gia để tìm ra nguyên nhân sự việc này.
“Một cách thẳng thắn, chúng tôi đã nghiên cứu và đưa ra tài liệu đánh giá theo chuyên ngành y khoa tại sao lại có hiện tượng nảy xảy ra. Chúng ta cần biết rằng các nhân viên bầu cử này đã làm việc quá sức so với đồng hồ sinh học của cơ thể. Theo thông tin nhận được, một số người đã làm việc liên tục từ 20-24 giờ với sự tập trung cao độ. Chưa kể có những người bị các bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp”, ông Fahdial Syam nói.
Cũng trong cuộc gặp này, Chủ tịch Ủy ban bầu cử Quốc gia, Arief Budiman thừa nhận, thiết kế của cuộc bầu cử đồng thời năm 2019 nặng nề, các giai đoạn của cuộc bầu cử được sắp xếp một cách cứng nhắc và đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt về tiến độ cuộc bầu cử. Bên cạnh đó, ngoài số nhân viên bầu cử chính thức, một số tình nguyện viên khác không có giấy đảm bảo về sức khỏe.
Nhiều người, trong đó có cả ứng viên Phó Tổng thống Sandiaga Uno cho rằng cuộc bầu cử này là cuộc bầu cử không có tính nhân văn. Ủy ban bầu cử chỉ chú trọng tiến độ kiểm phiếu mà không đảm bảo tính mạng cho những người làm nhiệm vụ. Trước những chỉ trích này, Chủ tịch Ủy ban bầu cử Quốc gia, Arief Budiman cho biết bản thân ông không muốn điều này xảy ra và sẵn sàng đánh giá các cuộc bầu cử đồng thời, nhưng phải sau khi kết quả bầu cử được công bố ngày 22/5 tới đây.
Dự kiến, cuối tuần này, nạn nhân của cuộc bầu cử sẽ nhận được khoản tiền đền bù. Bộ tài chính Indonesia quyết định bồi thường 36 triệu Rupiah (2.500 USD) cho mỗi người tử vong, hơn 30 triệu Rupiah (2.000 USD) cho người bị thương tật vĩnh viễn. Những người bị ốm sẽ nhận được từ 8-16 triệu Rupiah tùy theo mức độ.