Ðể khắc phục, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí cho các trường công lập để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy. Tuy nhiên, chính sách này đã bộc lộ một số bất cập, nguy cơ ảnh hưởng chất lượng giáo dục.
Thiếu giáo viên trầm trọng
Theo định mức, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) tỉnh Thái Nguyên cần hơn 22 nghìn cán bộ, giáo viên. Thực hiện chủ trương giảm biên chế, từ năm 2016 đến nay toàn ngành giảm hơn 2.000 cán bộ, giáo viên. Năm học 2020 - 2021 toàn tỉnh thiếu 5.200 cán bộ, giáo viên và hầu như trường nào cũng thiếu giáo viên, có trường thiếu cả cán bộ quản lý giáo dục. Trường tiểu học Xuân Phương (huyện Phú Bình) có 26 lớp và 31 giáo viên. Theo định mức, trường thiếu 13 giáo viên, nhưng đến nay mới thuê khoán được tám giáo viên. Cô giáo Dương Thị Trinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Chúng tôi đang phải bố trí giáo viên dạy tăng giờ để bảo đảm thời khóa biểu theo quy định". Do thiếu giáo viên mà không thể hợp đồng đủ nên có trường tính đến việc cắt giảm số buổi học, như Trường tiểu học Tức Tranh (huyện Phú Lương) thiếu hai giáo viên nên dự kiến cắt số buổi học xuống tám buổi/tuần thay vì chín buổi/tuần theo quy định.
Năm học này, huyện Phú Lương cần thuê khoán gần một nghìn giáo viên ở cả ba cấp học là mầm non, tiểu học và THCS, nhưng đến nay số giáo viên, cán bộ giáo dục mà huyện mới thuê khoán chỉ đạt 60%. Trưởng phòng GD và ÐT huyện Phú Lương Nguyễn Ðức Dũng chia sẻ: "Ðây là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nên chúng tôi ưu tiên bố trí cho khối lớp 1 đủ giáo viên biên chế. Các khối khác thì buộc phải sử dụng giáo viên hợp đồng thuê khoán, trường nào không thuê khoán được thì bố trí dạy vượt giờ, vượt định mức".
Hiện, thành phố Thái Nguyên còn thiếu 200 giáo viên, cán bộ cho cả ba cấp học, nhưng chưa thể bố trí đủ, vì kinh phí thuê khoán còn thấp, những môn ít tiết dạy không thuê khoán được giáo viên. Tương tự, huyện Ðồng Hỷ cần tuyển 465 giáo viên và nhân viên nấu ăn cho cấp học mầm non, nhưng thực tế mới tuyển được 361 lao động. Vì không tuyển được giáo viên nên năm học 2019 - 2020, ngành GD và ÐT thị xã Phổ Yên phải trả lại ngân sách nhà nước gần tám tỷ đồng đã cấp trước đó để thuê khoán giáo viên hợp đồng.
Cơ chế thuê khoán giáo viên còn bất cập
Cô giáo Ðào Thị Hải Giang, Trường THCS Ðồng Quang (TP Thái Nguyên) tâm sự: "Chúng tôi là giáo viên hưởng chế độ thuê khoán theo định mức giờ dạy, không đứng lớp là không có thu nhập, mỗi năm học diễn ra trong mười tháng, nhưng trên thực tế chỉ giảng dạy chín tháng nên thu nhập thấp, bình quân chưa được bốn triệu đồng/tháng. Ba tháng trong năm không có thu nhập, không được ngân sách đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Mặt khác, chúng tôi không được tham gia các đợt tập huấn, hoạt động ngoại khóa của trường. Phụ huynh cũng không bằng lòng với việc cho giáo viên thuê khoán như chúng tôi làm chủ nhiệm, vì lo ngại công việc không ổn định, nên không sát sao với lớp".
Thu nhập thấp, không được đóng bảo hiểm, nên hầu hết giáo viên hợp đồng thuê khoán trên địa bàn tỉnh không yên tâm công tác, không tham gia các đợt tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ, không dự giờ để rút kinh nghiệm, ảnh hưởng chất lượng giáo dục. Trưởng phòng GD và ÐT thành phố Thái Nguyên Nguyễn Thị Quốc Hòa cho biết: "Những năm gần đây, dân số tăng kéo theo quy mô trường lớp tăng theo, trong khi đó biên chế giáo viên theo định mức không những không được giao đủ mà còn phải cắt giảm theo quy định nên rất thiếu giáo viên, số giáo viên phải thuê khoán theo hợp đồng chiếm 30%, nên ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục".
Ðến nay, ngành GD và ÐT tỉnh Thái Nguyên còn thiếu 800 giáo viên các cấp học do không thuê khoán được. Nguyên nhân chủ yếu là do chế độ thuê khoán giảng dạy theo giờ thấp, không lên lớp là không có thu nhập và công việc không ổn định. Nhiều giáo viên tìm được công việc ổn định, thu nhập cao hơn là bỏ dạy. Phó Giám đốc Sở GD và ÐT tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Hưng cho biết: "Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mà không hợp đồng được, chúng tôi chỉ đạo các trường bố trí giáo viên dạy thay, dạy thêm giờ. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt; về lâu dài chúng tôi đề nghị tỉnh có giải pháp tích cực, căn cơ để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên đã diễn ra nhiều năm qua".
"Do mức thuê khoán thấp, giáo viên thuê khoán không được ngân sách đóng bảo hiểm, thời gian thuê khoán chỉ mười tháng trong năm dẫn đến giáo viên không yên tâm công tác, thường xuyên nghỉ việc, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Vì vậy, đề nghị bảo đảm biên chế giáo viên theo định mức, hoặc nâng mức thuê khoán, thời gian thuê khoán đủ 12 tháng trong năm để giáo viên bảo đảm cuộc sống tối thiểu."
Nguyễn Thị Quốc Hòa
Trưởng phòng GD và ÐT TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên
"Ðể Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên với số lượng rất lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay, chúng tôi tiến hành sắp xếp lại trường, lớp. Ðồng thời, đề nghị tỉnh sắp xếp lại một số trường cao đẳng; rà soát lại biên chế các bệnh viện của tỉnh đã thực hiện tự chủ, biên chế viên chức của toàn tỉnh để dành biên chế cho ngành GD và ÐT. Qua đó, toàn bộ giáo viên sẽ yên tâm công tác, góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo".
Nguyễn Văn Hưng
Phó Giám đốc Sở GD và ÐT tỉnh Thái Nguyên